Nhờ sự chủ động trong đổi mới canh tác, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, đến nay toàn huyện đã chuyển đổi và triển khai cánh đồng lớn tại 47 HTX với diện tích hơn 1.605 ha, trong đó mở rộng diện tích 120 ha lúa ở 4 HTX Thanh Lê, Trung An, Phương Sơn, Phước Lễ và duy trì 10 ha màu.
Sản xuất đồng bộ
Kể từ năm 2017 đến nay, quá trình triển khai xây dựng cánh đồng lớn ở Triệu Phong được thực hiện đồng bộ như: sản xuất một giống, một vùng, một thời gian, một quy trình…
Sản xuất đồng bộ trên cánh đồng lớn cho hiệu quả cao hơn (Ảnh TL). |
Tuy còn nhiều điểm nghẽn trong khâu liên kết bao tiêu sản phẩm, nhưng nhờ thực hiện các biện pháp kỹ thuật mới, sử dụng phân bón hữu cơ, thân thiện môi trường, ứng dụng chương trình "1 phải 5 giảm"… huyện đã góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế 5 - 7%.
Đơn cử, mô hình sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên, đảm bảo an toàn sinh học rộng hơn 42 ha tại 4 xã Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trạch, hiện đang cho năng suất bình quân trên 5 tấn/ha/năm, giá bán sản phẩm cao hơn 30 - 40% so với lúa thường.
Hay như HTX Triệu Thuận những năm qua được đánh giá là một trong những “cánh chim đầu đàn” của phong trào phát triển kinh tế hợp tác tại Triệu Phong.
Đến nay, HTX đang có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp xấp xỉ 500 ha, trong đó trồng lúa hơn 300 ha, còn lại đất màu và đất ao hồ.
Ông Nguyễn Đình Thăng – đại diện HTX, cho hay để nâng cao giá trị sản xuất, đặc biệt là cây lúa chủ lực, HTX ứng dụng canh tác theo chuẩn hữu cơ, loại bỏ hóa chất độc hại, sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
“Ứng dụng sản xuất hữu cơ giúp thành viên HTX nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm, gia tăng giá trị kinh tế, đồng thời mang lại những lợi ích tuyệt vời về bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe”, ông Thăng nhấn mạnh.
Tiếp tục nhân rộng
Không chỉ hoàn thiện sản xuất đồng bộ, ngành nông nghiệp huyện đã và đang tích cực tìm kiếm nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các HTX, người nông dân.
Huyện sẽ thêm nguồn lực hỗ trợ xây dựng các cánh đồng lớn, cho giá trị cao (Ảnh TL). |
Điển hình, huyện đã kết nối để hình thành chuỗi giá trị giữa HTX Đại Hào (xã Triệu Đại) với công ty phân bón Ong biển, tiến hành sản xuất 5 ha lúa hữu cơ cho giá trị cao; phối hợp xây dựng mô hình lúa hữu cơ ở Triệu Thuận với diện tích 20 ha tập trung theo hình thức bán hữu cơ, có sự liên kết và bao tiêu sản phẩm.
Ngoài ra, các HTX, tổ hợp tác, đơn vị sản xuất trên địa bàn huyện đã chủ động tự tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ đầu vào và bao tiêu sản phẩm, như HTX Linh An (xã Triệu Trạch) đang liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa HDT10 trên 5 ha, có bao tiêu sản phẩm...
Trên những nền tảng đang có, trong thời gian tới, huyện Triệu Phong dự kiến tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Riêng đối với cây lúa, huyện tập trung chỉ đạo các biện pháp kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thâm canh tăng năng suất, chất lượng, duy trì đạt năng suất lúa bình quân 5,5 – 6 tấn/ha. Chuyển đổi theo hướng cơ cấu giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao khoảng 80% tổng diện tích.
Hưng Nguyên