Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đang có hàng nghìn mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có gần 200 trang trại quy mô lớn, được đầu tư hoàn thiện từ khoa học - kỹ thuật đến cơ sở hạ tầng, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến bao tiêu, doanh thu bình quân đạt trên 500 triệu đồng/năm.
Chuyển biến về tư duy
Sở hữu trang trại chăn nuôi gà có quy mô hơn 6.000 con, anh Lê Minh Phương, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi xã Minh Lập cho biết, gia đình phát triển mô hình từ năm 2013. Năm 2020, anh đã đăng ký thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các hộ chăn nuôi ở Đồng Hỷ đang có sự đầu tư mạnh về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng (Ảnh TL). |
Nhờ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đàn vật nuôi của gia đình anh Phương phát triển ổn định, tỷ lệ sống đạt từ 95% trở lên, cao hơn 5-10% so với phương thức chăn nuôi thông thường.
Theo anh Phương, để đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, khu trang trại của gia đình được Tổ hợp tác hỗ trợ nâng cấp, trang bị đầy đủ các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại như máng ăn tự động, quạt thông gió, hệ thống nước uống, máy hút khử mùi hôi…
Trong quá trình chăn nuôi, các loại hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng được loại bỏ, thức ăn cho gà là các loại thực phẩm thân thiện môi trường như cám gạo, ngô, khoai, sắn… Các loại chất thải của gà được thu gom, xử lý thành các loại phân hữu cơ, hoai mục, vừa phục vụ trồng trọt, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tương tự, gia đình chị Lê Hồng Thi, Tổ hợp tác chăn nuôi xã Khe Mo, cũng đang có được những thành công ấn tượng từ mô hình nuôi lợn hữu cơ, cho giá trị kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Chị Thi chia sẻ, những năm trước, gia đình chị chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, gia đình đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại và mở rộng quy mô chăn nuôi lợn lên gần 500 con, theo hướng hữu cơ.
Theo chị Thi, chăn nuôi theo hình thức này không chỉ giảm được chi phí đầu tư, hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ, mà còn cho thu nhập cao, ổn định, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Năm 2020, gia đình tôi trúng lớn nhờ "được mùa" được giá, trang trại phát triển ổn định với 3 lứa lợn thịt, thu về gần 600 triệu đồng”, chị Thi hồ hởi nói.
Đầu tư nhân rộng
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Đồng Hỷ cho hay, trong khoảng 5 năm trở lại đây, người dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ bắt đầu tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, với số lượng trung bình 4.000 - 8.000 con gà/lứa, 1.000 - 2.000 con lợn/lứa.
Chăn nuôi an toàn sinh thái cho hiệu quả cao hơn (Ảnh TL). |
Để góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn, ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và từng địa phương tạo mọi điều kiện hỗ trợ người dân.
Thời gian tới, để đẩy mạnh chăn nuôi an toàn trên địa bàn huyện, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện quy trình theo hướng an toàn. Đồng thời, mở các lớp tập huấn kỹ thuật để trang bị kiến thức chăn nuôi an toàn sinh học, cải thiện ý thức về bảo vệ môi trường sinh thái cho người dân.
Huyện cũng chủ động thành lập, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc liên kết, tạo điểm tựa thúc đẩy các hộ chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị, tạo nên lợi ích kép về cả kinh tế, môi trường, từ đó mở ra hướng đi bền vững.
Hưng Nguyên