Huyện Đông Anh có 1.300ha trồng rau chính vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau; diện tích rau hiện tại đang sản xuất là 745ha tập trung ở các xã trọng điểm như: Tiên Dương 250ha, Vân Nội 180ha, Nguyên Khê 120ha, Bắc Hồng 10ha…
Trong đó, có 501ha đã được TP quy hoạch vào vùng sản xuất rau an toàn (RAT) tập trung. Toàn huyện có 37 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và 16 cơ sở đủ điều kiện sơ chế RAT.
Thành lập HTX
Trong các xã thuộc huyện Đông Anh, Vân Nội từ lâu đã nổi tiếng là vùng rau chuyên canh của TP. Đặc biệt, từ khi chương trình sản xuất RAT được thực hiện, người trồng rau nơi đây chuyển sang sản xuất theo quy trình RAT và trở thành vùng RAT lớn nhất của Thủ đô.
Theo bà Nguyễn Thị Huyền - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Ba Chữ, HTX chuyên sản xuất các loại rau ăn lá với 150 thành viên, hoạt động theo Luật HTX từ năm 2016. Với nhiệm vụ vừa kinh doanh, vừa liên kết sản xuất, tiêu thụ RAT với các đơn vị và trường học trên địa bàn, từ khi thành lập đến nay, HTX chưa bao giờ phải lo đầu ra.
Cũng theo bà Huyền, mỗi luống rau sạch đều được các thành viên HTX chăm bón tỉ mỉ theo tiêu chuẩn PGS (hệ thống bảo đảm có sự tham gia của các hộ, nhóm hộ, liên nhóm hộ giám sát chéo nội bộ) và ghi chép nhật ký sản xuất.
![]() |
Nông dân Vân Nội coi trồng rau là một nghề và nhanh nhạy ứng dụng có hiệu quả tiến bộ mới trong thâm canh, trồng trọt (Ảnh:TL) |
Hiện nay, HTX có hơn 30 chủng loại sản phẩm rau đa dạng, phong phú rải đều các vụ trong năm như: rau cải bắp trắng, tím, súp lơ, cải bó xôi, su hào, rau cần, cà chua, cà rốt, đậu trạch, rau cải các loại, dưa chuột, mướp, rau ngót, rau muống, rau bí, cà pháo, cà tím, lặc lè, rau gia vị, ngải cứu…
Các sản phẩm sau khi được thu hoạch sẽ được sơ chế và phân phối ra thị trường qua các thương lái, các công ty và các chuỗi cửa hàng cung ứng cho người tiêu dùng, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho hộ thành viên HTX.
Tương tự Vân Nội, xã Bắc Hồng cũng là địa phương có truyền thống trồng rau nhưng sản xuất theo hướng tự phát, mang tính mùa vụ không đồng đều. Do đó, HTX Bắc Hồng ra đời với định hướng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đã từng bước chinh phục người tiêu dùng với những sản phẩm RAT, sạch theo đúng nghĩa.
Những mảnh ruộng bỏ hoang đã được HTX thuê lại, những người nông dân cao tuổi nay cũng trở thành công nhân cho HTX. Đại diện lãnh đạo HTX Bắc Hồng cho biết, quyết định thành lập HTX RAT là một trong những quyết định sáng suốt, hiện lượng rau sạch được tiêu thụ qua HTX lên tới gần 4 tấn mỗi ngày.
Về quy trình sản xuất, chị Nguyễn Thị Hoàn - thành viên HTX chia sẻ: "Chúng tôi phải tuân thủ các quy định theo tiêu chuẩn, kỹ thuật, cẩn thận từ khâu làm đất đảm bảo từng luống rau được phát triển đều, đến tay người tiêu dùng phải là sản phẩm có chất lượng tốt nhất".
Tuân thủ quy định
Để sản xuất RAT, các thành viên của HTX Ba Chữ được tập huấn thường xuyên qua các lớp học đồng ruộng, tiếp thu khoa học kỹ thuật canh tác mới, sử dụng phân bón đúng kỹ thuật.
Nông dân HTX Ba Chữ còn bón thêm các loại phân hữu cơ vi sinh như: phân trùn quế, phân gà hữu cơ, khô đậu tương cho rau, khoảng 50kg/sào (1 sào Bắc Bộ - 360m2).
Ngoài ra, để các loại rau an toàn bảo đảm chất lượng, các thành viên HTX nói riêng và nông dân trên địa bàn xã Vân Nội nói chung còn được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức tập huấn kiến thức, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
![]() |
Sản phẩm RAT của các HTX tại huyện Đông Anh được bày bán tại các siêu thị lớn trong TP Hà Nội (Ảnh: TL) |
Trong khi xã Vân Nội, Bắc Hồng chủ yếu trồng rau cải và các loại rau ăn lá thì các xã Tiên Dương, Nguyên Khê chuyên trồng su hào, bắp cải, bầu, bí, cà… áp dụng triệt để mô hình khung sắt, vòm ni lông và lưới che phủ… nhằm hạn chế thiệt hại do khí hậu thời tiết, cũng như sâu bệnh...
Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, tiêu thụ rau an toàn Phúc Thịnh (xã Nguyên Khê) Tô Thị Hiền, các thành viên HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy định về sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV; việc thu hái, sơ chế, bảo quản được thực hiện ghi chép, theo dõi đầy đủ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Tuyển, Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đông Anh, cho biết, huyện đã hỗ trợ người nông dân thùng chứa, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng; thành lập Đoàn liên ngành trong quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sử dụng thuốc BVTV, kinh doanh vật tư nông nghiệp; sản xuất, tiêu thụ RAT.
Thời gian tới, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, huyện tiếp tục phát triển các vùng RAT ở các xã trong quy hoạch. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội tăng cường theo dõi, kiểm tra tiến độ, kỹ thuật sản xuất trên các loại cây trồng, đặc biệt là RAT; hỗ trợ một số loại phân bón và thuốc BVTV có nguồn gốc thảo mộc vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm độc hại cho môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân; xây dựng và duy trì tổ/nhóm sản xuất an toàn...
Minh Khuê