Hiện, toàn xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) có 250ha rau an toàn (RAT), trong đó 15ha sản xuất theo quy trình VietGAP với 1.200 hộ tham gia trực tiếp sản xuất. HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chất lượng và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Sản xuất bài bản
Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, tất cả các hộ trực tiếp tham gia sản xuất được chia thành 20 nhóm và 5 liên nhóm, mỗi nhóm gồn 25-30 hộ thành viên trồng rau.
Trong đó, mỗi nhóm, liên nhóm bầu ra 1 tổ trưởng làm nhiệm vụ giám sát, quản lý và đảm bảo toàn bộ diện tích rau được trồng đồng bộ theo đúng quy trình, dưới sự chỉ đạo và giám sát của cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật (mỗi tổ trưởng được hỗ trợ mức lương từ 600.000 -1,3 triệu đồng/tháng).
Với cách làm này, các quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ, tư duy sản xuất cũng thay đổi theo hướng phát triển trồng trọt bền vững, an toàn, mỗi sản phẩm tiêu dùng đều là sản phẩm sạch.
Đặc biệt, từ sử dụng thuốc, phân bón hóa học, HTX chuyển sang dùng thuốc, phân bón sinh học; ý thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mỗi người dân được nâng cao. Tất cả những hoạt động chăm sóc rau đều được ghi lại từ thời gian bón phân, phun thuốc, nhãn hiệu thuốc sử dụng, gieo trồng giống gì, diện tích bao nhiêu…
![]() |
Các sản phẩm RAT của HXT Văn Đức đều được dán nhãn truy xuất nguồn gốc (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, HTX đã thực hiện mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo có sự truy xuất nguồn gốc (PGS) trong sản xuất RAT. Các hộ tham gia sẽ được cấp sổ nhật ký đồng ruộng cập nhật đầy đủ thông tin quy trình sản xuất (thời gian, cách sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học...).
Đồng thời, ban kiểm soát gồm đại diện người tiêu dùng, công ty phân phối, thu mua, Trạm bảo vệ thực vật, chính quyền xã và HTX thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát định kỳ hoặc đột xuất.
Nhờ sản xuất theo đúng quy trình, chất lượng đảm bảo, sản phẩm có dán nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ nên RAT Văn Đức được người tiêu dùng đánh giá cao. Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40-50 tấn rau các loại, 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn TP Hà Nội, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, HTX vẫn đang duy trì xuất khẩu từ 300 – 500 tấn/năm một số loại rau như cải thảo, bắp cải, súp lơ sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
"Không bao giờ lo ế"
Cũng theo Giám đốc Nguyễn Văn Minh, nhờ phương pháp quản lý đúng đắn của HTX, thu nhập của các thành viên khá tốt, không ít hộ có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm, đời sống tinh thần được cải thiện rõ rệt.
Để giải quyết tốt vấn đề đầu ra, HTX đã tổ chức kế hoạch sản xuất cụ thể, bên cạnh trồng đa dạng các loại rau, HTX còn căn cứ vào sản lượng tiêu thụ để cân đối diện tích gieo trồng, tránh sản xuất ồ ạt một loại rau khiến khó bán, giá cả không đảm bảo.
![]() |
Vườn mướp đắng của một hộ gia đình được sản xuất theo mô hình rau an toàn (Ảnh: TL) |
Cùng với đó, HTX ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp tiêu thụ mà không qua bất kỳ bên trung gian nào nên có thể cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho thành viên. Nhờ vậy, sản lượng rau ở Văn Đức mỗi năm đạt từ 35.000 – 37.000 tấn vẫn được tiêu thụ ổn định, doanh thu đạt từ 550 – 600 triệu đồng/ha/năm. Theo nhiều hộ sản xuất, rau ở đây luôn được bán với giá cao hơn so với các nơi khác từ 1.000 – 1.500 đồng/kg.
"Nhờ sản xuất theo đúng quy trình và kế hoạch do HTX đề ra, toàn bộ sản phẩm được HTX đứng ra bao tiêu nên đầu ra luôn ổn định, thành viên không lo bán không được mà chỉ lo làm cho đúng. Gia đình tôi có hơn 1 mẫu trồng các loại cải bắp, súp lơ, cải thảo, chỉ tính riêng vụ rau dịp Tết Nguyên đán, trừ các khoản chi phí, tôi thu lãi gần 50 triệu đồng", một thành viên của HTX chia sẻ.
Thời điểm này, mặc dù thị trường tiêu thụ rau đang bấp bênh song trên cánh đồng RAT Văn Đức, công việc sản xuất vẫn diễn ra như thường lệ. Bí quyết thành công từ vùng rau lớn nhất Thủ đô này không có gì khác ngoài đảm bảo các tiêu chí: chất lượng gắn với thương hiệu, sản xuất đúng quy trình, đúng kế hoạch…
Bà Đinh Thị Luyến, Phó Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là hướng dẫn, giám sát bà con sản xuất đúng rau đúng theo tiêu chuẩn an toàn. Dù lợi nhuận cao, nhưng không vì thế để người dân bất chấp sản xuất, phải đặt tiêu chí chất lượng, sức khỏe người tiêu dùng là số một. Và cũng vì thương hiệu RAT Văn Đức xây dựng mấy chục năm qua là không hề dễ dàng.
Bảo Hân