Tập trung chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình khuyến nông có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi giống cây trồng, hình thành các chuỗi cung ứng liên kết sản xuất nông nghiệp có quy mô cho người dân đã giúp người nghèo trong huyện thay đổi tư duy phát triển kinh tế theo hướng năng động.
Phát triển chuỗi
Đến nay, Hàm Yên đã phát triển được nhiều chuỗi giá trị hàng hóa, tạo nền tảng cho người nghèo nâng cao thu nhập, giảm nghèo và làm giàu.
Tiêu biểu như xã Thái Sơn, để nâng cao thu nhập, nhiệm vụ trọng tâm của xã là khuyến khích, tạo động lực để người dân mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề theo chuỗi.
Xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh như vùng trồng cam 126 ha, vùng chè 60 ha. Ngoài ra, xã còn hình thành được vùng sản xuất rau hữu cơ, vùng trồng cây dược liệu khoảng 15 ha. Những vùng sản xuất này đang giúp người dân đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác.
Cùng với đó, xã đẩy mạnh phát triển các HTX, trang trại để tạo thuận lợi trong xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa. Hiện xã có 7 HTX và 11 trang trại hoạt động trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, tổng hợp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Điển hình như HTX Chăn nuôi - Kinh doanh thịt trâu, bò sạch Hàm Yên sau khi được huyện hỗ trợ 60 con trâu, 51 con bò, HTX không ngừng mở rộng quy mô chăn nuôi, hiện có tổng đàn trên 200 con trâu, bò, tạo việc làm ổn định cho 20 thành viên. Từ mô hình chăn nuôi này, mỗi hộ thành viên có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, từ đó giúp ổn định cuộc sống. Có những hộ nhờ tham gia HTX đã thoát được nghèo và tiếp tục đầu tư cho chăn nuôi.
Còn mô hình trồng chè và liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp của HTX Chè xanh Thái Sơn cũng không ngừng nâng cao chất lượng, mở rộng diện tích nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi giống mới. Đến nay, năng suất chè của HTX đạt 150 - 170 tạ/ha, giúp nhiều hộ có cuộc sống sung túc.
Có thể thấy, những mô hình sản xuất theo chuỗi đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Thái Sơn. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 3%.
Mô hình nuôi cá ở Thái Hòa đang giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả. |
Còn trên địa bàn xã Thái Hòa, tận dụng lợi thế dòng sông Lô, người dân đã phát triển chăn nuôi cá lồng và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cũng như cung cấp vật tư đầu vào. Các thành viên trong HTX cũng thường xuyên tham gia các lớp đào tạo nghề nuôi cá chiên đặc sản trong lồng bè trên sông. Nhiều hộ trong xã cũng được HTX mời đi tham gia các buổi tập huấn để khơi dậy ý chí phát triển kinh tế hàng hóa, làm giàu.
Chính vì vậy, mô hình nuôi cá lồng của HTX Thái Hòa đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người. Hiện nay, các thành viên đều có thu nhập ổn định mỗi năm trên 100 triệu đồng/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo còn 11%
Với thế mạnh về phát triển nông nghiệp, đến nay, huyện Hàm Yên đã hình thành nhiều chuỗi liên kết hàng hóa hiệu quả, điển hình là chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ dưa chuột tại xã Thành Long. Thông qua HTX nông nghiệp trên địa bàn, người dân đã trồng được 14 ha dưa chuột cho năng suất đạt 46 tấn/ha, doanh thu đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm.
Mô hình này phát triển thuận lợi còn có sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và HTX tại các huyện lân cận nhằm ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột của các nhóm hộ, HTX, tổ hợp tác địa tiêu thụ thuận lợi.
Hiện 14 ha dưa chuột trên địa bàn xã đều được bao tiêu đầu ra 100%. Hiệu quả kinh tế của chuỗi liên kết trồng dưa chuột cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Một năm bình quân, nhân dân thu hoạch 3 vụ dưa chuột, mỗi vụ bình quân thu 1,5 đến 1,8 tấn/sào, thu lãi từ 6- 8 triệu đồng/sào. Nhờ chuỗi liên kết trồng, bao tiêu sản phẩm dưa chuột, nhiều hộ nghèo ở Thành Long đã tăng thêm thu nhập, có vốn đầu tư cho sản xuất.
Còn tại HTX chè Tân Thái, từ năm 2013, đơn vị này đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ với nông dân và doanh nghiệp giúp cung ứng ra thị trường từ 22-30 tấn chè khô. Đặc biệt, HTX đã liên kết với 3 doanh nghiệp, ký kết tiêu thụ 3 tấn chè khô, sản phẩm còn lại phục vụ thị trường các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Chuỗi giá trị hàng hóa là nền tảng giúp người dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo hiệu quả. Năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 6,62% (đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 21,42% đầu năm 2022 xuống còn 14,8% cuối năm 2022). Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện giảm 10,98%. Đặc biệt huyện không còn hộ nghèo là gia đình chính sách, người có công.
Đầu tư cho các chuỗi giá trị hàng hóa cùng với việc mở hơn 150 lớp đào tạo tập huấn về các ngành nghề sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay, huyện Hàm Yên phấn đấu trong năm 2023 sẽ giảm 3,66% tỷ lệ hộ nghèo (đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 14,8% đầu năm 2023 xuống còn 11,14% cuối năm 2023). Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,5%.
Tăng liên kết sản xuất
Có thể thấy, việc nỗ lực tạo sinh kế giảm nghèo cho hộ nghèo đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Hàm Yên thời gian qua. Chính vì vậy, tạo sinh kế để khơi dậy tinh thần chủ động, tự lực của người dân thoát nghèo cũng như phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa tiếp tục được huyện Hàm Yên tập trung trong thời gian tới.
Trong đó, huyện tiếp tục chú trọng hỗ trợ người nghèo, nông dân trong tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mà nông dân đang cần, đang yếu, đang thiếu. Định hướng sau tập huấn, nông dân sẽ tham gia đầu tư kinh tế, từ đó nhân rộng được những mô hình sản xuất hiệu quả trong thực tiễn.
Nhằm giúp người nông dân yên tâm sản xuất, HTX, doanh nghiệp mạnh dạn liên kết, đầu tư, huyện sẽ tuyên truyền, vận động người dân, HTX, doanh nghiệp tìm hiểu và cùng tham gia liên kết. Cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Giám đốc HTX sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa, ông Phạm Thanh Bình cho biết, liên kết sản xuất - tiêu thụ được xem là giải pháp căn cơ giúp các thành phần tham gia chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, tạo nên những sản phẩm an toàn, chất lượng. Đây thực sự là bước đi bền vững góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Mục tiêu của HTX Thái Hòa là sẽ duy trì nuôi cá lồng. HTX cũng tiếp tục ký hợp đồng ổn định với 3 cơ sở thu mua cá hiện nay. Nhưng để phát triển hơn nữa, HTX sẽ khảo sát thị trường, mở rộng liên kết với các siêu thị tại các thành phố lớn để đảm bảo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cho các thành viên.
Tùng Lâm