Tính đến tháng 9/2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tỉnh Đồng Nai đạt 64,7 triệu đồng/năm, tăng 25% so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm mạnh, còn dưới 0,09%.
Chăn nuôi công nghệ cao tạo việc làm cho hàng chục lao động
Tại nhiều HTX, cán bộ chủ chốt hiện nay đang được trẻ hóa và với tầm nhìn, cách suy nghĩ mới mẻ, họ có được sự nhạy bén, từng bước đổi mới mô hình hoạt động để nắm bắt thời cơ phát triển, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.
Đơn cử như HTX Chăn nuôi sinh học (huyện Long Thành) với hoạt động kinh doanh chính là chăn nuôi gà ta thả vườn xuất bán cho thương lái và cơ sở giết mổ; tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch.
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cung ứng ra thị trường 5 - 7 triệu con gà/năm. |
Xuất phát ban đầu là tổ kinh tế hợp tác về chăn nuôi với 14 thành viên, năm 2020, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng của huyện và chính quyền địa phương, HTX Chăn nuôi sinh học chính thức được thành lập. Hiện nay, HTX đang tạo công ăn việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho 14 lao động và tạo việc làm thời vụ cho 15 lao động tại địa phương.
Năm 2022, doanh thu của HTX đạt 6 tỷ đồng, là con số khá ấn tượng với một HTX mới thành lập trong thời gian tương đối ngắn.
Theo ông Lê Phi Long, Giám đốc HTX Chăn nuôi sinh học, HTX đang chăn nuôi gà hữu cơ để phát triển bền vững và đầu tư vào chế biến sâu tạo ra sản phẩm như gà ủ muối để gia tăng giá trị. HTX sẽ liên kết với các nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để áp dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi và tìm đầu ra cho sản phẩm. Điều này nhằm giảm chi phí đầu vào, tiếp cận nguồn vốn đầu tư các cơ sở vật chất, kết nối cung cấp sản phẩm của HTX vào các bếp ăn công nghiệp.
Ngoài HTX Chăn nuôi sinh học, tại huyện Long Thành còn có mô hình chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao xuất khẩu lớn nhất Đồng Nai là HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát.
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX chia sẻ, trang trại nuôi gà công nghệ cao của HTX tại huyện Cẩm Mỹ rộng 2,9ha. Trang trại được thiết kế dạng tầng và đưa vào vận hành hệ thống chuồng chữ H đầu tiên trên cả nước, công nghệ nuôi tự động hóa hoàn toàn.
Theo đó, trang trại được xây dựng dạng 2 lầu, mỗi lầu có 3 lồng nuôi, mỗi lồng gồm 3 tầng nhỏ giúp tăng diện tích nuôi gà mà không bị quá tải. Số lượng dự kiến nuôi theo hình thức mới này là 90.000 con gà lông trắng chuyên thịt.
“Hình thức nuôi gà mới này sẽ trở thành xu hướng trong tương lai, khi mà quỹ đất sẽ trở thành bài toán khó. Chúng tôi phải luôn tính trước một bước, đưa các kỹ thuật hiện đại của thế giới để áp dụng tại chính tỉnh Đồng Nai. Hơn nữa, công nghệ nuôi tự động bằng chuồng chữ H cũng giải quyết được vấn đề an toàn dịch bệnh và tiết giảm được nhân công rất lớn”, ông Quyết nói.
Trại gà sử dụng hệ thống làm mát tự động, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió sẽ được điều chỉnh tự động theo từng ngày tuổi của gà. Đây là những yếu tố quyết định thành công trong việc chăn nuôi.
Mỗi năm, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cung ứng ra thị trường 5 - 7 triệu con gà. Hiện, ngoài thị trường Nhật Bản, HTX còn hợp tác và xuất hàng qua Bỉ và Hà Lan, đồng thời đẩy mạnh việc tiêu thụ trong nước.
Đến nay, HTX có 17 thành viên trực tiếp sản xuất, 8 thành viên liên kết chủ yếu là doanh nghiệp; trong đó có Công ty Koyu & Unitek để xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang Nhật Bản.
"Khi tham gia vào HTX, người nuôi được cung ứng, đảm bảo tốt về giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Nhiệm vụ chính của họ là phải làm sao tuân thủ kỹ thuật đạt chất lượng theo đúng yêu cầu. Đối tác tiêu thụ sản phẩm là công ty Nhật Bản nên rất khắt khe về chất lượng gà xuất khẩu, đặc biệt là vấn đề về dịch bệnh”, ông Quyết thông tin.
Bà Hoàng Thị Thanh, thành viên HTX cho biết, bà tham gia HTX từ năm 2017, dù đã có kinh nghiệm trong chăn nuôi nhưng khi tham gia vào chuỗi liên kết, bà được HTX hỗ trợ nhiều. Thậm chí, HTX sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để bà được vay vốn đầu tư công nghệ chăn nuôi chuồng lạnh khép kín. Đến nay, trang trại của bà đang chăn nuôi khoảng 800.000 con gà phục vụ thị trường xuất khẩu. Nhờ được tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi, mức thu nhập của gia đình bà đã tăng lên.
Mang xoài ra “biển lớn”
Đáng chú ý, những năm qua tại Đồng Nai ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực kinh tế tập thể, nhiều HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, đóng góp quan trọng trong việc duy trì hoạt động và đưa HTX ngày càng phát triển; trở thành nhân tố quan trọng trong giải quyết việc làm, giúp xoá đói, giảm nghèo ở khu vực nông thôn.
Thành viên HTX Xoài Suối Lớn đang kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi thu hoạch. |
Điển hình là HTX Xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) do chị Nguyễn Ngọc Diệu làm Giám đốc đã đưa thương hiệu xoài Suối Lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Ucraina,… với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm.
HTX xoài Suối Lớn có diện tích sản xuất 150ha (41 thành viên tham gia) thuộc xã Xuân Hưng. Các thành viên của HTX đã được Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ hướng dẫn kỹ thuật và đào tạo thực hành theo tiêu chuẩn GAP trong sản xuất xoài.
Năng suất xoài trồng tại HTX Xoài Suối Lớn đạt 25-30 tấn/ha, giá bán bình quân khoảng 15.000 đồng/kg.
Thời gian gần đây, HTX Xoài Suối Lớn đang xây dựng, thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ xoài để đảm bảo nguồn cung ứng xoài theo quy định của các đối tác, giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng xoài trên địa bàn xã Xuân Hưng và Xuân Hòa.
Chị Nguyễn Ngọc Diệu chia sẻ, HTX mong muốn Đồng Nai có vùng nguyên liệu xoài ổn định, đảm bảo sản lượng và chất lượng hàng hóa cung cấp cho các doanh nghiệp tiêu thụ; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và phát triển thương hiệu xoài Suối Lớn.
Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả chiếm trên 63%
Trong những năm qua, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX được đánh giá là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng vai trò lớn trong mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực, vùng, miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương.
Sau hơn 2,5 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoan 2021-2025, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Đồng Nai đã đạt được những chuyển biến khá tích cực, đó là số lượng các tổ chức kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX ngày càng phát triển khá mạnh.
Kinh tế tập thể tiếp tục phát triển trên địa bàn toàn tỉnh. Quy mô và hiệu quả hoạt động của phần lớn HTX có xu hướng tăng lên, lợi ích đem lại cho các thành viên HTX ngày càng cao. Số HTX tham gia chuỗi giá trị đã chủ động tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại và xuất khẩu trực tiếp tăng lên.
Tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 383 HTX, quỹ tín dụng nhân dân, Liên hiệp HTX đang hoạt độn, thu hút hơn 47.000 thành viên và 7.000 lao động; tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả chiếm trên 63% tổng số HTX trên địa bàn.
Đến thời điểm hiện tại, 100% các xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều có HTX đang hoạt động.
Các HTX đã từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cộng đồng, có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai.
Hoàng Hà