Mô hình trồng mía đang được thúc đẩy ở Trà Giang |
Giá trị kinh tế cao
Mô hình trồng mía tại Trà Giang (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) tập trung diện tích lớn nhất tại thôn 2 và thôn 6. Những năm gần đây, các hộ trồng mía liên tục mở rộng diện tích, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, giúp giá trị cây mía được nâng lên đáng kể.
Cây mía bắt đầu được trồng ở Trà Giang cách đây khoảng 10 năm và dần trở thành một trong những cây trồng quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Từ vài vựa mía nhỏ lẻ, nay diện tích trồng mía trên địa bàn xã đã mở rộng lên hơn 10 ha, thu hút gần 20 hộ dân.
Sở hữu 1,5 ha trồng mía, ông Vũ Thế Việt chia sẻ cây mía có sự thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Trà Giang. Nhờ sinh trưởng thuận lợi, trồng mía cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng các loại cây truyền thống khác ở địa phương.
“Nhờ chất lượng cao, mía được thương lái ưa chuộng, mang xe tới tận ruộng thu mua, giá bán ổn định ở mức 12.000 – 15.000 đồng/cây. Với thị trường ổn định, giá bán cao, cây mía có thể cho thu nhập từ 145 – 160 triệu đồng/ha/vụ”, ông Việt chia sẻ.
Tương tự, gia đình ông Đinh Trọng Nhất cũng đang gặt hái thành công từ mô hình trồng mía. Sở hữu hơn 1 ha mía, bình quân mỗi năm ông Nhất thu về gần 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên dưới 150 triệu đồng.
Theo ông Nhất, mô hình trồng mía không đem lại thu nhập lớn một lần như mô hình trồng keo truyền thống nhưng giá trị ổn định. Nếu cây keo mất 4 – 5 năm mới cho thu hoạch thì cây mía chỉ mất khoảng 8 – 9 tháng, hiệu quả của mía có thể gấp 4 – 5 lần cây keo.
Trồng mía đang mang lại lợi ích lớn về kinh tế, ATLĐ |
Nâng tầm thương hiệu
Đáng chú ý, trong khoảng 3 năm trở lại đây, các hộ trồng mía đã chủ động xây dựng mô hình chuyên canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm, đảm bảo các quy định về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ trong quá trình sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Trà Giang, ông Đoàn Ngọc Minh đánh giá: “Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, để phát triển bền vững, sản xuất hiện đại gắn với ATLĐ, vệ sinh thực phẩm là điều kiện bắt buộc, vì vậy, những bước đi của các hộ trồng mía là vô cùng đúng đắn và được địa phương khuyến khích, hỗ trợ”.
Đáng chú ý, để mở rộng liên kết, phát triển sản xuất an toàn, một số hộ trồng mía trên địa bàn xã đã liên kết thành lập tổ hợp tác mía tím Trà Giang. Sự thành lập của tổ hợp tác sẽ là điểm tựa quan trọng để các thành viên phát triển sản xuất an toàn, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Trịnh Văn Bằng – thành viên tổ hợp tác, chia sẻ: “Sự đồng hành của tổ hợp tác giúp chúng tôi tự tin mở rộng sản xuất, đầu tư các loại máy móc để phục chế biến như máy cắt, máy róc vỏ, máy thái… đồng thời tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, ATLĐ, giúp hiệu quả được nâng cao”.
Bên cạnh sản xuất an toàn, hiện đại, các thành viên tổ hợp tác cũng đang đầu tư hoàn thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm... nhằm tăng độ nhận diện, nâng cao uy tín của các sản phẩm mía Trà Giang sau khi chế biến. Đây là cơ sở để tổ hợp tác hoàn thành mục tiêu đưa mía thành một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam trong năm 2020.
Nhật Minh