Mô hình nông - lâm kết hợp đang cho hiệu quả cao |
Lợi ích thiết thực
Được sự hỗ trợ từ địa phương, năm 2010, ông Trần Xuân Tư (xã Thượng Hóa) quyết định đầu tư hơn 50 triệu đồng để xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn kết hợp với trồng rừng trên tổng diện tích 4,5 ha.
Chia sẻ về mô hình, ông Tư cho hay: “Trên diện tích 4,5 ha, tôi đầu tư trồng keo lai và xây dựng chuồng trại để nuôi 30 con lợn, 20 con dê, 6 con trâu và hàng trăm con gà thả vườn. Mô hình nông - lâm kết hợp của gia đình tôi đang mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.
Cụ thể, đến nay, rừng keo lai đã mang lại thu nhập trên 500 triệu đồng; thu nhập từ chăn nuôi lợn, trâu, dê và gà đạt trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài phát triển kinh tế hộ, ông Tư còn hỗ trợ kỹ thuật, con giống, vật tư… cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Để có được thành công hiện tại, ông Tư cho biết ngay từ khi bắt tay vào sản xuất, ông đã chủ động học hỏi, nâng cao kỹ thuật, hoàn thiện sản xuất theo chuỗi, hướng tới mục tiêu sản xuất sạch, hiệu quả kinh tế cao đi đôi với đảm bảo ATLĐ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thành công của ông Trần Xuân Tư đang truyền cảm hứng cho hàng chục hộ dân trên địa bàn xã phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng rừng theo hướng an toàn, chú trọng ATLĐ.
Theo số liệu thống kê, toàn xã Thượng Hóa đang có trên 165 ha rừng kinh tế, 158 con trâu, 360 con bò, hơn 180 con lợn, đàn gia cầm gần 1.200 con. Các hộ trồng rừng đều đang dần thay đổi nhận thức trong sản xuất, các phương pháp sản xuất an toàn, khoa học được ứng dụng rộng rãi, các quy định về ATLĐ, vệ sinh môi trường được nâng cao.
Mô hình nông - lâm kết hợp sẽ tiếp tục được phát triển theo hướng an toàn |
Đẩy mạnh hỗ trợ
Đánh giá về mô hình, ông Đinh Thanh Văn – Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa, nhận định: “Mô hình nông – lâm kết hợp đang mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn, góp phần xóa bỏ tập quán du canh du cư, chặt phá rừng làm nương rẫy, đặc biệt đảm bảo các quy định về ATLĐ, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người sản xuất”.
Với tiềm năng của mô hình, những năm qua, xã đã lồng ghép nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển. Riêng trong năm 2019, từ nguồn vốn triển khai thực hiện Chương trình 30a vào khoảng 995 triệu đồng, xã đã đầu tư mua bò giống hỗ trợ cho 81 gia đình khó khăn, với mức hỗ trợ 1 con/hộ.
Từ các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chương trình 135…, xã đã triển khai mua các loại cây giống, con giống như keo, ngô, lúa, bưởi, bò, dê… để hỗ trợ người dân xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn. Trong đó, nguồn kinh phì từ chương trình 135 đã hỗ trợ cho hơn 500 hộ nghèo và cận nghèo.
“Cùng với việc hỗ trợ con giống, cán bộ nông nghiệp xã luôn chú trọng bổ túc kỹ thuật chăn nuôi an toàn, nâng cao ý thức về ATLĐ, bảo vệ môi trường cho người dân, đảm bảo các chính sách hỗ trợ sẽ phát huy hiệu quả, trở thành động lực vươn lên làm giàu cho các hộ”, ông Đinh Thanh Văn nhấn mạnh.
Những thành công trong phát triển mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi an toàn góp phần tạo chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế, xã hội của xã. Theo kết quả thống kê năm 2019, xã Thượng Hóa hiện còn 21% hộ nghèo (giảm hơn 11% so với năm 2018), 305 hộ thoát nghèo, đời sống của người dân ngày một được cải thiện.
Đại Nam