Mô hình trồng trạch tả đang cho hiệu quả kinh tế cao |
Hiệu quả kinh tế cao
Trạch tả là một loại cây dược liệu có nhiều công dụng trị bệnh quý. Cây được triển khai và nhân rộng tại nhiều địa phương tỉnh Ninh Bình từ năm 2006. Trong giai đoạn 2015 – 2019, tỉnh duy trì diện tích cây trạch tả ở mức bình quân 150 – 170 ha/năm.
Ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông tỉnh, cho biết: “Những điều kiện thích hợp về điều kiện thời tiết, giúp các mô hình trồng cây trạch tả trên địa bàn tỉnh cho năng suất, chất lượng cao, được thị trường đón nhận tích cực”.
Hiện, năng suất cây trạch tả tại Ninh Bình cho năng suất bình quân 2,5 – 3 tấn củ khô/ha/vụ, sau khi trừ chi phí, các hộ sản xuất có thể thu về 45 – 50 triệu đồng. Mô hình trạch tả đang phát triển mạnh và tập trung tại một số huyện như Yên Khánh, Kim Sơn, Gia Viễn, Tp.Ninh Bình…
Địa bàn huyện Kim Sơn có điều kiện đất nông nghiệp khá phì nhiêu, màu mỡ, được phù sa bồi đắp bởi 2 con sông lớn. Với tiềm năng sẵn có, những năm qua, xã đã chủ động mở rộng mô hình trồng cây trạch tả, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân.
Dẫn dắt phong trào sản xuất trên địa bàn xã là HTX nông nghiệp Xuân Thiện. Bằng phương thức sản xuất khoa học, an toàn, xã đã xây dựng thành công vùng trồng trạch tả rộng trên 30 ha, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về năng suất, chất lượng, vệ sinh thực phẩm, môi trường và ATLĐ.
Tổ chức sản xuất trạch tả trên diện tích hơn 1,6 mẫu đất, ông Vũ Văn Khởi (xã Xuân Thiện) chia sẻ: “Dù chưa có hợp đồng bao tiêu, nhưng với chất lượng cao, củ trạch tả vẫn được tiêu thụ khá ổn định. Năm 2019, với giá bán củ tươi đạt 8 – 12 nghìn đồng/kg, củ sấy khô đạt 40 – 42 nghìn đồng/kg, tôi thu về gần 40 triệu đồng”.
Trạch tả đang có thị trường tiêu thụ thuận lợi |
Liên kết sản xuất an toàn
Để đảm bảo những lợi ích bền vững từ mô hình trồng cây trạch tả, các địa phương của tỉnh đã và đang chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn, siết chặt các điều kiện về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm để nâng cao chất lượng, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông Lại Văn Hải – Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Thiện, cho hay: “Những năm gần đây, nhận thấy tầm quan trọng của khoa học – kỹ thuật, HTX đã mở các khóa tập huấn, nâng cao kỹ thuật trồng trạch tả an toàn, bổ sung kiến thức về ATLĐ, đặc biệt là trong khâu sử dụng máy móc, phân bón… cho người dân”.
Đơn cử, trong quá trình bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, bên cạnh quy định rõ ràng về liều lượng, thời gian sử dụng để đảm bảo an toàn thực phẩm, HTX còn cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật phun, trang bị các dụng cụ bảo hộ (khẩu trang, găng tay, ủng…) để đảm bảo ATLĐ cho người sản xuất.
Bên cạnh hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn, các địa phương phát triển mô hình trạch tả trên địa bàn tỉnh cũng đang chú trọng liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, loại bỏ hoàn toàn “điệp khúc” được mùa, mất giá.
Điển như HTX thương mại Nghĩa Hưng (xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh), công ty Traphaco,… đang là những đơn vị tiêu biểu tổ chức liên kết bao tiêu sản phẩm với giá thành ổn định cho người dân.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình cũng đang xúc tiến xây dựng thương hiệu “trạch tả Ninh Bình”, tạo lập thương hiệu riêng cho sản phẩm với bao bì đẹp, thông tin đầy đủ về nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng…
Mộc Miên