Mô hình liên kết sản xuất lúa an toàn đang phát huy hiệu quả cao |
Sức mạnh từ liên kết
Dự án liên kết tại Thừa Thiên – Huế được triển khai trên 2 sản phẩm chính là lúa hữu cơ và nuôi lợn hữu cơ, với sự đồng hành của các HTX, doanh nghiệp, đang cho thấy hiệu quả thiết thực.
Điển hình như mô hình sản xuất lúa hữu cơ được triển khai trên địa bàn xã Phú Lương (huyện Phú Vang), tổng diện tích canh tác đạt hơn 500 ha, với sự tham gia của công ty TNHH MTV nông sản hữu cơ Quế Lâm và HTX nông nghiệp Phú Lương 1.
Theo hợp đồng liên kết, phía doanh nghiệp cam kết hỗ trợ các dịch vụ đầu vào như vật tư, giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật… đồng thời, đảm bảo thị trường tiêu thụ cho các hộ dân tham gia mô hình.
Ngược lại, phía HTX và các hộ dân phải tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo nguồn hàng đạt tiêu chuẩn cao cung cấp cho doanh nghiệp.
Đại diện HTX Phú Lương 1 cho biết, hiện tại, doanh nghiệp đang cam kết bao tiêu sản phẩm cho hơn 67 ha lúa, giá bán đảm bảo ở mức 8.000 đồng/kg. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng tích cực phối hợp với HTX để tổ chức tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nâng cao kiến thức về sản xuất hữu cơ, ATLĐ, vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất.
Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ cũng đang phát huy hiệu quả cao. HTX nông nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy) đang là một trong những đơn vị tiêu biểu thực hiện mô hình này.
Hiện, một số hộ thành viên HTX đang được phía doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng mô hình với số lượng 35 con/lứa nuôi, sau đó bao tiêu với giá 46.000 đồng/kg lợn hơi, đảm bảo mức lợi nhuận 700.000 – 800.000 đồng/con (sau khi trừ chi phí).
Chăn nuôi lợn hữu cơ cũng cho thấy triển vọng lớn |
Phát triển bền vững
Ông Nguyễn Ngọc Khánh – đại diện HTX Phú Bài, chia sẻ: “Qua hơn 2 năm triển khai mô hình, thành viên HTX và các hộ tham gia đang dần thay đổi nhận thức trong chăn nuôi, phương pháp chăn nuôi an toàn được chú trọng, qua đó đảm bảo năng suất, chất lượng thịt, giá trị sản xuất gia tăng lên đáng kể”.
Đặc biệt, sản xuất hữu cơ giúp người dân đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ, giảm thiểu tối đa lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường, qua đó tạo cảnh quan môi trường sạch sẽ, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất trong quá trình lao động.
Tương tự, với mô hình sản xuất lúa hữu cơ, bên cạnh công tác tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất, doanh nghiệp và HTX cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ tham gia mô hình về sản xuất an toàn, ATLĐ và vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất.
Những hiệu quả vượt trội về kinh tế, ATLĐ khiến mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, không chỉ với trồng lúa và nuôi lợn mà ở nhiều ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi khác.
Theo đại diện Sở Công Thương Thừa Thiên – Huế, những thành công của mô hình thí điểm đang là cơ sở để tỉnh mở rộng triển khai sang các mô hình khác tại các địa phương, điển hình như mô hình nuôi bò thâm canh theo hướng hữu cơ, chú trọng ATLĐ, vệ sinh thực phẩm tại huyện A Lưới.
Tuy nhiên, trước khi tính đến chuyện nhân rộng sang các mô hình khác, tỉnh dự kiến sẽ chủ động thúc đẩy vai trò của các HTX, doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của 2 mô hình trồng lúa và nuôi lợn, mở ra hướng đi an toàn, hiệu quả, bền vững cho người dân.
Phượng Vỹ