Tại xã Nga Hải, gia đình bà Lê Thị Sáu ở thôn Tây Sơn đang phát triển 10.000 m2 nhà lưới chuyên trồng hoa và canh tác dưa vàng. Các loại giống dưa chất lượng cao như kim hoàng hậu, kim hồng ngọc được gia đình bà Sáu sử dụng hạt giống nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Bà Sáu cho biết, quy trình sản xuất tại trang trại hiện hoàn toàn theo hướng nông nghiệp an toàn, nói không với phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu độc hại. Toàn bộ hệ thống tưới nước nhỏ giọt trong vườn được kết nối với điện thoại, có thể cài đặt giờ tưới tự động hoặc tưới theo độ ẩm thực tế của đất.
Nhờ đi theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao gắn với sản xuất an toàn sinh thái, những năm qua, gia đình bà Sáu có doanh thu trung bình trên dưới 1,7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận từ 500 - 700 triệu đồng/năm.
Ứng dụng hiệu quả công nghệ cao đang giúp nhiều nông dân Nga Sơn thoát nghèo, làm giàu (Ảnh: Lê Đồng). |
Đáng chú ý, theo bà Sáu, việc mạnh dạn chuyển từ sản xuất nông nghiệp quảng canh sang thành lập mô hình hiện đại trong nhà lưới là thực hiện lời kêu gọi và khuyến khích từ chính quyền xã. Do sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra dòng sản phẩm an toàn nên dưa ở khu sản xuất đã được tiêu thụ đi nhiều tỉnh phía Bắc qua các chuỗi cung ứng, chưa bao giờ ế hàng.
Mô hình của gia đình bà Sáu chỉ là một trong nhiều mô hình trên địa bàn xã, bởi theo thống kê từ UBND xã Nga Hải, đến nay toàn xã có tới 42.000 m2 nhà lưới, sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của địa phương.
Không chỉ ở Nga Hải, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng đang được nhân rộng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Nga Sơn, tạo điểm tựa xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân.
Cụ thể, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Nga Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đồng thời, huyện đẩy mạnh thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư hợp tác với nông dân, hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tổ chức lại sản xuất để khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai và lao động của địa phương.
Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa
Đến nay, diện tích nhà kính, nhà lưới sản xuất trồng trọt trên địa bàn huyện tiếp tục được mở rộng lên 43,3 ha, trở thành đơn vị đứng thứ 2 cả tỉnh trong phát triển các mô hình nhà lưới, nhà kính để sản xuất nông nghiệp. Giá trị canh tác trong các mô hình này đã đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Trong nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao đã đạt gần 11 ha, cho thu nhập 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/vụ.
Toàn huyện đã có 17 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 54 chủ cơ sở sản xuất là cá nhân, doanh nghiệp, HTX cũng được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi với diện tích sản xuất gần 96 ha. Sản phẩm dưa hấu huyện Nga Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận hồ sơ đánh giá công bố chất lượng nhãn hiệu tập thể. Cây cói Nga Sơn cũng đã có chỉ dẫn địa lý.
Nga Sơn dự kiến đẩy mạnh phát huy những cây trồng kinh tế chủ lực tại địa phương. |
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, khu vực kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đang ghi dấu ấn đậm nét, phát huy vai trò liên kết, trở thành điểm tựa vững vàng cho nông dân trong sản xuất, mang lại giá trị kép về kinh tế, môi trường.
Điển hình như HTX nông nghiệp Nga Yên (xã Nga Yên) đang có được nhiều thành công nhờ sự chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất an toàn, chú trọng phương thức sản xuất sạch, thân thiện môi trường, linh hoạt thích ứng với những biến động thị trường.
Hàng năm, HTX Nga Yên cung ứng hơn 2 tấn giống lúa phục vụ sản xuất, 1.900 khay mạ gieo cấy bằng máy cho diện tích hơn 80 ha, còn lại tổ chức sản xuất 140 ha đất lúa-màu, chuyên màu giúp giá trị kinh tế tăng 20% so với sản xuất đại trà.
Đến nay, HTX đã liên kết và ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, doanh nghiệp, như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt... bảo đảm đầu ra cho nông sản của các thành viên.
Đẩy nhanh xóa nghèo, làm giàu cho nông dân
Tương tự, HTX nông nghiệp Nga Trường (xã Nga Trường) cũng liên tục có những bước tiến bền vững nhờ thay đổi phương thức sản xuất theo hướng tập trung gắn với chuỗi giá trị, chú trọng bảo vệ môi trường.
Từ đầu năm 2019 đến nay, HTX đang hợp tác liên kết sản xuất 15 ha rau cải bó xôi với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để xuất khẩu đi Nhật Bản; hợp tác sản xuất 4 ha khoai tây cao sản với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Việt Nam; hợp tác sản xuất 1,5 ha hành hoa với Công ty TNHH Thực phẩm Thiên Nhiên Xanh...
Đại diện HTX cho hay, hợp tác với doanh nghiệp giúp HTX giải quyết bài toán thị trường, song cũng tạo ra những áp lực không nhỏ trong việc hoàn thiện quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo đó, trong quy trình sản xuất, HTX áp dụng sản xuất VietGAP để tạo ra những sản phẩm siêu sạch, vừa đảm bảo chất lượng, vừa có mẫu mã đẹp.
Có thể thấy, với sự đóng góp tích cực của các HTX, tổ hợp tác, ngành nông nghiệp huyện Nga Sơn thời gian qua đã có những bước chuyển mạnh mẽ theo hướng liên kết 4 bên gồm nông dân, HTX, doanh nghiệp và địa phương.
Những thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp chính là một trong những "chìa khóa" để Nga Sơn đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội thời gian qua. Thống kê cho thấy, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn trên dưới 3%, tốc độ giảm nghèo đạt 3-5%/năm.
Thời gian tới, huyện Nga Sơn xác định tiếp tục tăng cường tiếp nhận, khảo nghiệm, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP...
Đồng thời, huyện khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế.
Mỹ Chí