Giai đoạn 2020-2025, song song với định hướng đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Tuy Đức đang tập trung nguồn lực phát triển chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các nông sản thế mạnh, nhằm nâng sức cạnh tranh, tăng giá trị canh tác.
Xây dựng sản phẩm chủ lực
Sở hữu 2 ha cây cà phê, thời gian qua, ông Nguyễn Phú Cường, xã Đắk Búk So liên tục gặt hái thành công nhờ sự thay đổi căn bản trong phương thức sản xuất, từ canh tác tự phát, lạc hậu, sang chủ động ứng dụng khoa học – kỹ thuật, tái canh giống mới.
Ông Cường cho hay, việc tái canh cà phê bằng giống mới, cùng việc ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật vào canh tác đã và đang giúp ông gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Vụ cà phê vừa qua, gia đình ông thu về hơn 7 tấn cà phê nhân, lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Tuy Đức đang có nhiều sản phẩm chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân (Ảnh: Hoàng Hoài). |
Theo thống kê, sản lượng cà phê trên địa huyện Tuy Đức hiện đạt trên 47.000 tấn/năm, đóng góp khoảng 65% giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, chiếm tỷ trọng hơn 40% GDP, trở thành mũi nhọn giảm nghèo, tạo việc làm cho hàng nghìn hộ dân, người lao động địa phương.
Với những kết quả đó, cây cà phê cùng với cao su, điều và hồ tiêu đang là những cây trồng chủ lực tại Tuy Đức. Trong đó, tổng sản lượng mủ cao su khai thác của huyện hiện đạt gần 4.200 tấn/năm, sản lượng điều thu hoạch đạt gần 4.800 tấn/năm, sản lượng hồ tiêu hơn 3.900 tấn/năm.
Các loại cây ăn trái chất lượng cao trên địa bàn huyện Tuy Đức cũng đang được thị trường ưa chuộng, nổi bật như như sầu riêng ghép Thái Lan, bơ booth, mít Thái siêu sớm... được nhiều hộ nông dân đưa vào sản xuất, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Bên cạnh những cây lâu năm, thời gian qua, huyện Tuy Đức đã triển khai khảo nghiệm nhiều giống lúa lai năng suất, chất lượng cao. Sau khảo nghiệm, huyện đưa vào sản xuất đại trà 6 giống lúa mới như Nghi Hương 2308, Nhị ưu 838, PC15, HT1, VT404, Quy ưu 1…, đều thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương.
Tăng cường chế biến sâu
Một điều đáng chú ý trong phát triển nông nghiệp huyện Tuy Đức là định hướng ứng dụng công nghệ cao và chế biến sâu, từ đó nâng tầm thương hiệu, gia tăng sức sức cạnh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, ổn định thu nhập cho nông dân.
HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu ở Tuy Đức. Đến nay, HTX đã hình thành vùng nguyên liệu 230 ha mắc ca, với hệ thống máy móc hiện đại như máy sấy, máy tách vỏ để chế biến mắc ca.
Với cơ sở vật chất hiện đại, bình quân mỗi năm, HTX chế biến hơn 30 tấn mắc ca sấy, sau đó đóng gói, bán ra thị trường. Giá trị sản phẩm mắc ca sau chế biến tăng từ 20 - 25%. Cách đây hơn 2 năm, sản phẩm "Mắc ca M’nông" của HTX được công nhận OCOP hạng 3 sao.
Tuy Đức đang định hướng nông nghiệp đi theo hướng công nghệ cao, chế biến sâu (Ảnh: Hoàng Hoài). |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, chế biến không chỉ nâng giá trị sản phẩm mà còn từng bước gây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Từ đây, sản phẩm sẽ tìm kiếm được chỗ đứng trên thị trường.
Theo thống kê, toàn huyện Tuy Đức hiện có gần 40 HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia, phát triển các chuỗi sản xuất, chế biến nông sản. Các sản phẩm chế biến của huyện đã bước đầu xây dựng được hình ảnh, thương hiệu.
Với rất nhiều tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp. Huyện đang thực hiện các chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư vào khâu chế biến nông sản. Trong đó, huyện ưu tiên phát triển theo hướng chế biến tinh, sâu các sản phẩm chủ lực như mắc ca, khoai lang, hạt điều, hồ tiêu, cà phê, rau quả...
Định hướng phát triển bền vững
Nhờ những chiến lược phát triển bài bản, sản xuất nông nghiệp huyện Tuy Đức đang có bước phát triển ổn định và tăng trưởng bình quân trên 7,5%/năm.
Đến cuối năm 2022, tỷ trọng trồng trọt chiếm 86,5%, chăn nuôi chiếm 9,7%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 3,8%. Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất trồng trọt đạt 90 triệu đồng/ha. Cây công nghiệp lâu năm tiếp tục khẳng định thế mạnh của huyện với diện tích đạt 40.536 ha (tăng 19% so với năm 2018).
Một số vùng chuyên canh cây trồng như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, rau xanh, khoai lang, mắc ca... đã hình thành và phát triển theo quy hoạch của huyện. Nhiều người dân đã ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp ở một số khâu làm đất, vận chuyển, thu hoạch và chế biến. Tỷ lệ sử dụng giống mới các loại cây trồng chính của huyện đạt từ 80-95%, năng suất tăng từ 5-10%.
Thành công trong chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp chính là một trong những động lực để huyện Tuy Đức đẩy nhanh tiến trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế tại các địa phương. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt khoảng 35 triệu đồng/năm. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện và từng bước nâng cao.
Huyện Tuy Đức đặt mục tiêu tạo sự đột phá trong công tác giảm nghèo. Vì thế, các chương trình, dự án, các giải pháp, chính sách an sinh xã hội đã được đổi mới cách tiếp cận, huy động được nhiều nguồn lực. Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, huyện Tuy Đức cũng đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo. Trong đó, huyện tập trung giảm nghèo một cách có trọng tâm, trọng điểm.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chương trình giảm nghèo của Tuy Đức đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 42,2%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số tại chỗ giảm còn 58,72%, đạt kế hoạch Nghị quyết đề ra.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đang có, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo thuận lợi cho HTX, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển. Huyện đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào phát triển kinh tế trang trại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng chuyên môn hóa. Ngành chức năng của huyện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX cải tiến mẫu mã, bao bì, xây dựng, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.
Lệ Chi