Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng liên kết, ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ mới, đặc biệt nâng cao vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX là một trong những chiến lược quan trọng, được các ban, ngành huyện Thanh Hà quan tâm.
"Đầu tàu" kinh tế hợp tác
Đến năm 2020, toàn huyện Thanh Hà có trên 20 HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường tại địa phương.
Các HTX đang góp phần phát huy hiệu quả nông nghiệp công nghệ cao ở Thanh Hà (Ảnh: TL). |
HTX Nông nghiệp sạch Quang Điệp (xã Hồng Lạc) là một trong những điển hình trong khu vực kinh tế hợp tác của huyện Thanh Hà. HTX đã tạo được chỗ đứng vững vàng trên thị trường nhờ sản phẩm rau được trồng và chăm sóc theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
Ngay từ khi thành lập, 35 thành viên của HTX xác định phải sản xuất theo hướng VietGAP, không ảnh hưởng đến môi trường, để đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Vì vậy, HTX đã mạnh dạn thực hiện mô hình nhà màng trồng rau.
Các loại rau chủ lực của HTX hiện tại gồm su hào, súp lơ, bắp cải, rau muống, dưa chuột... đang “phủ sóng” không chỉ các khu chợ dân sinh, cửa hàng rau trong huyện và tỉnh, mà còn cung cấp cho nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị uy tín tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.
Anh Phạm Công Quang, Phó Giám đốc HTX cho biết: "HTX đã thuê 5 ha đất ở cánh đồng thôn Bắc để trồng rau. Trong quá trình sản xuất, HTX được các kỹ sư nông nghiệp Israel đến hướng dẫn trực tiếp cách trồng và chăm sóc rau".
Theo đó, trong quá trình canh tác, toàn bộ các thành viên HTX đều phải ghi chép nhật ký. Người dân không được sử dụng thuốc hóa học để trừ cỏ, mà phải xử lý bằng tay. Các loại thuốc trừ sâu đều là thuốc sinh học và chế phẩm được ngâm từ ớt - gừng - tỏi, hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Nhờ sản xuất khoa học, không chỉ là "điểm tựa" của 35 thành viên, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi vụ, HTX thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Tạo bước phát triển toàn diện
Cùng với hoạt động hiệu quả của các HTX, 5 năm qua, trên địa bàn huyện Thanh Hà hình thành nhiều vùng chuyên canh cho thu nhập khá cao, như: vùng vải sớm khu Hà Đông, vải thiều khu Hà Nam, vùng ổi Liên Mạc, vùng quất Cẩm Chế, rau màu Tiền Tiến, vùng lúa kết hợp khai thác rươi, cáy ở Thanh Xuân, Vĩnh Lập…
Các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thân thiện môi trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ phát triển (Ảnh: TL). |
Song song với việc quy hoạch vùng sản xuất, huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo hướng áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Với các giải pháp đồng bộ, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp của huyện Thanh Hà hiện đã đạt 130 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu đề ra trước đó cho năm 2020.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Thanh Hà quan tâm phát triển kinh tế trang trại, mở rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Giá trị sản xuất bình quân của mỗi trang trại trên địa bàn huyện đạt 3,74 tỷ đồng/năm.
Thời gian qua, huyện Thanh Hà cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Toàn huyện hiện có 2 làng nghề và 2.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút trên 1 vạn lao động, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động tại địa phương. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển cả về quy mô và hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, văn hóa và đời sống của nhân dân…
Hưng Nguyên