Các thương hiệu nông sản của HTX, tổ hợp tác tại Bình Định đang vươn tầm |
Động lực cho HTX
Số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay, trong giai đoạn 2019 – 2020, toàn tỉnh Bình Định có 10/27 sản phẩm nông sản của các HTX, tổ hợp tác được lựa chọn để trở thành sản phẩm thế mạnh được đầu tư trọng điểm tại các địa phương.
Năm 2019, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) được chọn là đại diện của xã Xuân Phước tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) thế mạnh của tỉnh, với sản phẩm dầu đậu phộng chất lượng cao.
Phát triển sản phẩm thế mạnh, HTX Xuân Phước được hỗ trợ đào tạo kỹ thuật và hỗ trợ vốn để nâng cao cơ sở vật chất, trang bị công nghệ sản xuất từ tách vỏ, ép thủ công sang làm bằng máy móc.
Ông Nguyễn Dư – Giám đốc HTX, chia sẻ: “Sự hỗ trợ của địa phương là động lực lớn giúp HTX bứt lên. Nếu trước đây, hoạt động sản xuất nhỏ, các quy định về an toàn lao động (ATLĐ) không được quan tâm, an toàn vệ sinh thực phẩm bị bỏ ngỏ, thì nay, mọi thứ đã thay đổi”.
Cụ thể, trong trình sản xuất, cơ giới hóa được HTX áp dụng đồng bộ tại các khâu giúp thành viên giảm công lao động. Các khâu nghiền, ép nguyên liệu được máy móc hỗ trợ, giúp HTX nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời, giúp người lao động HTX giảm thiểu rủi ro tai nạn, đảm bảo ATLĐ.
Tương tự, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) có 4 sản phẩm được chọn là sản phẩm thế mạnh của địa phương, gồm bánh khóm (dứa), nước ép khóm, khóm sấy, khóm trái.
Giám đốc HTX, ông Nguyễn Hoàng Chương cho biết: “Nhờ hoạt động tốt, HTX nhận được sự tin tưởng rất và được hỗ trợ vốn xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất nhiều sản phẩm từ trái khóm, lại được tạo điều kiện thương hiệu độc quyền, xúc tiến thương mại”.
Sự hỗ trợ của địa phương giúp HTX hoạt động ổn định, thành viên HTX yên tâm phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, đảm bảo tốt các quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Việc phát triển thương hiệu cho HTX, tổ hợp tác cũng được các địa phương tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm |
Mở rộng tầm ảnh hưởng
Trên những điểm tựa đang có, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh hoàn thiện sản xuất, ứng dụng khoa học – kỹ thuật nhằm khẳng định vị thế trên thị trường, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp lớn.
Những năm qua, sản phẩm rượu tằm của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) được chọn là sản phẩm thế mạnh địa phương. Cũng giống như các HTX được “chọn mặt gửi vàng” khác, HTX được trợ lực mạnh mẽ về vốn đầu tư mở rộng sản xuất, tập huấn kỹ thuật sản xuất an toàn, ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Nhưng không dừng lại với chỉ một sản phẩm thế mạnh là rượu tằm, HTX đang mở rộng sản xuất, đầu tư xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên tổng diện tích hơn 40 ha, hướng tới việc đưa sản phẩm gạo hữu cơ thành sản phẩm thế mạnh thứ 2.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX, cho hay: “Để đạt được mục tiêu, các thành viên sản xuất lúa của HTX được đào tạo, tập huấn để nắm vững quy trình sản xuất hữu cơ gắn với ATLĐ, đảm bảo tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế vượt trội, qua đó lọt vào “mắt xanh” của địa phương”.
Không chỉ với các HTX đã có sản phẩm được công nhận, có vị thế trên thị trường, nhiều HTX khác của Bình Định cũng đang nỗ lực để phát huy các sản phẩm tiềm năng thế mạnh tại địa phương.
Điển hình như HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bơ VietGAP. Việc HTX nỗ lực xây dựng thương hiệu độc quyền cho cây bơ sẽ giúp nâng cao giá trị kinh tế cho người dân tại địa phương.
Hưng Nguyên