Sau khi chuyển đổi mô hình theo Luật HTX 2012, HTX Nông nghiệp Phước Trung đã xây dựng được trụ sở làm việc trên diện tích 110m2. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để HTX giao thương, ký kết hợp đồng, mở rộng sản xuất.
Sản xuất theo tiêu chuẩn
Ông Hà Minh Triều - Giám đốc HTX, cho biết: Từ khi tham gia mô hình CĐL (năm 2011) đến nay, các thành viên cảm thấy an tâm hơn trong sản xuất vì được tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa, như mô hình “3 giảm, 3 tăng” hay “1 phải, 5 giảm”… nên chi phí đầu tư giảm 15 - 20% so với canh tác lúa truyền thống.
Hiện, diện tích lúa của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Khi áp dụng kỹ thuật, năng suất lúa vẫn ổn định ở mức cao, từ đó mang về nguồn lợi nhuận đáng kể cho các thành viên và nông dân qua từng mùa vụ.
Với diện tích sản xuất của HTX, trong đó có 30 ha sản xuất lúa giống, hàng năm, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 1.800 tấn lúa, trong đó có khoảng 350 tấn lúa giống.
Nhờ sản xuất theo mô hình CĐL nên chất lượng hạt lúa, gạo đều bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và là địa chỉ quen thuộc của nhiều doanh nghiệp khi tìm đến thu mua lúa.
Để các thành viên và người dân yên tâm sản xuất, HTX đã đứng ra bao tiêu 200 ha lúa của nông dân thuộc CĐL xã Trường Long Tây, cung ứng lại cho công ty Lương thực Sông Hậu.
Ngoài ra, HTX còn liên kết tiêu thụ lúa hàng hóa với Tập đoàn Lộc Trời và các doanh nghiệp khác với khoảng 80ha, chiếm 90% diện tích sản xuất lúa của HTX.
Với nhu cầu thị trường lớn, HTX đang tích cực mở rộng thu hút thành viên và dự kiến tăng diện tích sản xuất lúa lên 400 ha, thay vì 98 ha với 66 thành viên như hiện nay.
Thu hoạch lúa trên CĐL ở Hậu Giang |
Canh tác bền vững
Không chỉ thu lợi nhuận từ gạo, hiện nhiều doanh nghiệp tận Ninh Thuận đang tập trung thu mua rơm về phục vụ gia súc trong mùa nắng hạn, nên HTX còn thu thêm nguồn lợi từ rơm. Đây cũng là cách giúp HTX hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ trên cánh đồng sau thu hoạch.
Sản xuất theo CĐL được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, góp phần tăng thêm lợi nhuận cho người sản xuất. Đồng thời, trồng lúa theo mô hình này cũng giúp việc sản xuất bền vững, BVMT, an toàn sản phẩm và thích ứng biến đổi khí hậu.
Sử dụng phân hữu cơ là ưu tiên hàng đầu đối với HTX. Nhờ đó, kết quả quá trình canh tác lúa giảm được khoảng 40% lượng phân bón, giảm 4 lần bón phân và giảm 3 lần phun thuốc BVTV, tiết kiệm chi phí sản xuất được khoảng 4 triệu đồng/ha.
Theo Ban Giám đốc HTX, dùng phân hóa học phải bón phân 5 lần/vụ, còn phân hữu cơ chỉ cần bón 1 - 2 lần/vụ, vì phân tan chậm theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa.
Qua nhiều năm sống chung với mặn, HTX đã có những biện pháp để bảo đảm nguồn nước ngọt để phục vụ sản xuất với quy mô lớn. Hiện HTX chỉ sử dụng 70 - 80% diện tích đất canh tác, phần còn lại dùng để đào mương, dự trữ nước ngọt.
Sản xuất lúa theo CĐL đòi hỏi nguồn nước phải luôn ổn định, chủ động trong mọi tình huống. Nhờ hệ thống mương trữ nước ngọt phù hợp nên vào mùa hạn mặn, HTX vẫn chủ động nguồn nước.
Bên cạnh đó, HTX đã cùng chính quyền các cấp đầu tư xây dựng hệ thống đê bao khép kín gắn với trạm bơm tập trung nên các thành viên và người dân gieo sạ đồng loạt, né rầy và ngăn mặn rất hiệu quả. Tình hình sâu bệnh cũng hạn chế, tình trạng sử dụng thuốc BVTV hiếm khi xảy ra.
Tiếp cận với các kỹ thuật canh tác tiên tiến, HTX đã giúp các thành viên và người dân nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện sản xuất bền vững, sản phẩm nông nghiệp lúa gạo của HTX có thêm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Như Yến