Ngày 21/4/2018, 4 huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy chính thức được công nhận đạt chuẩn NTM, đưa số huyện NTM của tỉnh Nam Định lên con số 5 (trước đó có huyện Hải Hậu). Quá trình xây dựng NTM tại Nam Định được đánh giá rất cao với những chính sách quyết liệt, cách làm sáng tạo, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường.
Sáng tạo, phát huy lợi thế
Thành công của Nam Định đến từ sự linh hoạt trong chính sách phát triển kinh tế, hạ tầng nông thôn. Nhiều năm qua, mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có cách làm riêng, chủ động sáng tạo để khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù tại địa phương.
Điển hình tại Trực Ninh, huyện đã xây dựng thành công 23 mô hình cánh đồng lớn, với quy mô 30-50ha/cánh đồng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản của Công ty TNHH Cường Tân với quy mô 350ha, mô hình nuôi trồng cá mú rộng 480ha, cùng nhiều mô hình sản xuất rau, củ quả sạch...
Huyện Giao Thủy có gần 200 trang trại nuôi trồng thủy sản với các con nuôi có giá trị kinh tế cao, 52 cơ sở sản xuất giống thủy sản. Huyện Xuân Trường thu hút thành công nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất rau quả sạch, an toàn với quy mô 140ha.
Huyện Nghĩa Hưng, có mô hình nuôi cá bống bớp với diện tích 370ha, xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ cây dược liệu của Công ty Hoa Thiên Phú với diện tích 27,5ha...
Nam Định đang có 5/10 huyện đạt chuẩn huyện NTM (ảnh minh họa) |
Vai trò đậm nét của HTX
Kỳ tích trong xây dựng NTM tại Nam Định có vai trò không nhỏ của các HTX trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân và góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.
Đến nay, toàn tỉnh Nam Định có trên 400 HTX, trong đó có 315 HTX nông nghiệp, 18 HTX vận tải, 32 HTX làng nghề và 41 quỹ TDND. Các HTX, tổ hợp tác hoạt động chính trong các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp; đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản; sản xuất muối; chăn nuôi; chế biến thực phẩm; tiêu thụ nông sản, vệ sinh môi trường, cơ khí, dệt may, chế biến gỗ...
Hàng loạt các HTX kiểu mới thành lập, hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương như HTX Nấm Linh Phát (Hải Chính, Hải Hậu), HTX chăn nuôi Sơn Nam (Hải Trung, Hải Hậu), HTX Vạn Xuân Trường (Hiển Khánh, Vụ Bản), HTX thủy sản Tây Chùa (Yên Trung, Ý Yên)…
Điển hình như HTX du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân (huyện Giao Thủy), được thành lập năm 2010, hiện mỗi năm HTX thu hút trên 25.000 lượt khách trong nước và quốc tế tới thăm quan, doanh thu trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Trong cơ chế thị trường, không ít HTX đang chủ động liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp để tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao thu nhập cho thành viên, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn trong xây dựng NTM.
Hiện tại, toàn tỉnh có 10 HTX đang thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo an toàn theo chuỗi với Công ty TNHH Toản Xuân trên quy mô hơn 400ha; 3 HTX liên kết với Công ty chế biến nông sản Minh Dương sản xuất, tiêu thụ khoai tây, ngô nếp trên quy mô 150ha; 5 HTX liên kết với Công ty TNHH Cường Tân sản xuất lúa giống, mỗi HTX có diện tích liên kết từ 20ha trở lên…
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các HTX vẫn đang thể hiện vai trò quan trọng trong xây dựng NTM tại Nam Định. Để tiếp tục phát huy vai trò của HTX trong thời kỳ mới, UBND tỉnh Nam Định cho biết tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các mô hình HTX điển hình; tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX; tập trung tháo gỡ khó khăn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho HTX phát triển bền vững.
Nhật Minh