Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2018, thành phố bảo đảm triển khai 100% chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo trực tiếp cho từng thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vượt chuẩn cận nghèo; phấn đấu giảm trên 20.000 hộ nghèo và 23.700 hộ cận nghèo; có thêm 93 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo…
Để đạt mục tiêu này, thành phố tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. Cụ thể, đến cuối năm 2018 phấn đấu đạt 4.460 tỷ đồng, gồm: Vốn cho vay tín dụng là 4.040 tỷ đồng và các khoản chi không hoàn lại 420 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, bảo hiểm xã hội.
Tp.HCM đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 0,3% vào cuối năm 2018 |
Đến nay, Tp.HCM còn khoảng 21.800 hộ nghèo theo chuẩn thành phố (chiếm 1,1%). Đại diện UBND Tp.HCM cho biết, 2 chiều nghèo đang khó giảm nhất là nhà ở (chuẩn nghèo về nhà ở là diện tích nhà bình quân dưới 6m2/người ở nội thành, 10m2/người ở ngoại thành) và dạy nghề.
Hiện, toàn thành phố còn gần 6.700 hộ thiếu hụt về nhà ở. Ông Trương Văn Lương - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững Tp.HCM, cho rằng để giảm nghèo về diện tích nhà ở, cần triển khai đồng loạt nhiều giải pháp như hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà; phát triển nhà ở xã hội…
Để giảm nghèo về nghề nghiệp, ông Lương cho hay, thành phố cần đẩy mạnh vận động người nghèo học nghề, riêng với những người đã có tay nghề nhưng chưa có chứng chỉ nghề thì các quận, huyện tổ chức ôn thi, kiểm tra tay nghề, cấp chứng chỉ nghề.
“Điểm khác biệt trong công tác giảm nghèo hiện nay so với trước đó là các quận, huyện không chỉ chú trọng vào giảm nghèo theo tiêu chí thu nhập, mà còn có biện pháp tác động, giảm nghèo ở các mặt giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống, thông tin”, ông Lương nhấn mạnh.
H.N