Nuôi tôm xen canh lúa vốn đã được người dân áp dụng từ nhiều năm. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, nên sản xuất không mang lại hiệu quả cao. Trước diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, từ năm 2019, HTX Thành Công 1 đã tìm giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình sản xuất, trong đó áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa.
Sản phẩm "2 sạch"
Để thực hiện hiệu quả, HTX phải lựa chọn giống lúa ngắn ngày, khả năng chịu mặn cao nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng. Đối với tôm, các thành viên sử dụng hoàn toàn giống tôm càng xanh đực. Hộ nuôi phải có ao ương nuôi trong 3 tháng đầu, sau đó mới đưa ra ngoài để rút ngắn thời gian và đạt năng suất cao. Giải pháp này được các thành viên đồng tình thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Nhum, thành viên HTX cho biết, gia đình có 1ha đất canh tác lúa kết hợp nuôi tôm xen tại ruộng. Theo ông Nhum, khi áp dụng mô hình hiệu quả, năng suất con tôm, cây lúa tăng hơn trước rất nhiều. Từ khi thực hiện mô hình nuôi tôm - lúa, bà con nông dân bắt đầu có kiến thức về khoa học kỹ thuật, nhận thức về cách nuôi tôm, cách trồng lúa hữu cơ thay đổi rõ rệt.
Nuôi tôm trong ruộng lúa giúp hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác. |
Chị Nguyễn Thị An, thành viên HTX cũng có 8.000 m2 đất thực hiện mô hình tôm - lúa kết hợp. Sau thời gian thực hiện, chị An đánh giá đây là mô hình mang lại hiệu quả cao và có tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc nuôi xen giữa tôm và lúa giảm được chi phí đầu vào, không sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…, từ đó tạo ra sản phẩm "2 sạch" gồm: lúa sạch và tôm sạch, giá bán ra cũng cao hơn so với trước đây. Trong điều kiện xâm nhập mặn diễn ra gay gắt và khó lường, tới đây, chị sẽ tiếp tục gắn bó với mô hình này.
Hiện tại, HTX đã liên hệ với cơ sở thu mua tôm thương phẩm đảm bảo tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho con tôm. Theo tính toán, tỷ lệ tôm sống đạt 70-80% sau 5 tháng nuôi. Năng suất từ 0,6 - 0,7 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hộ nông dân thu lợi nhuận đạt 60 triệu đồng/ha.
Đối với cây lúa, thời gian sinh trưởng ngắn từ 90 - 95 ngày, có khả năng chịu mặn cao hơn các giống khác tại địa phương; năng suất từ 4- 4,5 tấn/ha. Các hộ dân tham gia mô hình được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo quy trình lúa hữu cơ với giá bảo đảm có lãi. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được 21-22 triệu đồng/ha.
Nhân rộng mô hình, nâng cao hiệu quả
Hiệu quả từ mô hình tôm - lúa của HTX Thành Công 1 cho thấy, các thành viên đã khéo léo tiếp cận mô hình mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt đòi hỏi người nông dân phải tìm ra giải pháp mới để tận dụng thế mạnh. Đến nay, HTX đã liên kết được với doanh nghiệp để phát triển theo hướng chuỗi giá trị bền vững.
Theo các nhà khoa học, việc nuôi tôm kết hợp với trồng lúa hoàn toàn không xảy ra “xung đột” trong quá trình sản xuất. Đây là mô hình 'thông minh', cân bằng sinh thái đồng ruộng, bảo vệ môi trường. Sản xuất lúa - tôm được đánh giá là mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, ít rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác và được xem như mô hình thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả hiện nay.
Trước hiệu quả của HTX Thành Công 1, thị xã Giá Rai có định hướng nhân rộng mô hình đến các ấp còn lại và xác định đây là mô hình kinh tế mũi nhọn, tạo thu nhập bền vững của nhiều hộ dân trong thị xã, góp phần hoàn thành các mục tiêu về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, HTX cũng kiến nghị các ngành chuyên môn của tỉnh tiếp tục triển khai những mô hình trình diễn để tiếp sức cùng các thành viên và người dân nhân rộng mô hình. Đồng thời, tạo điều kiện giúp HTX tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các dự án để HTX có thể mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc canh tác lúa, thu hoạch tôm...
Huyền Trang