Đây là mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 do Bộ NN&PTNT vừa trình Thủ tướng Chính phủ.
![]() |
Đến năm 2025, trên 80% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. |
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông lâm thủy sản giai đoạn 2016-2020 ước đạt 2,62%/năm với chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, năng suất lao động bình quân đạt 6,8%/năm; nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp cũng đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn.
Do vậy, việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cơ cấu lại ngành một cách thực chất, hiệu quả hơn trong bối cảnh và yêu cầu mới là rất cần thiết.
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (GDP) ngành nông nghiệp đạt khoảng 2,5 - 3,0%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7 - 8 %/năm.
Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (gọi tắt là nông sản) được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%; tỷ trọng giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm; diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bình quân khoảng 5%/năm.
Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 25%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%; trên 80% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020...
Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ có nhiệm vụ: Cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm chủ lực; cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng.
Cụ thể, cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm chủ lực: Kế hoạch đưa ra nhiệm vụ cụ thể đối với phát triển 3 nhóm sản phẩm chủ lực là: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, trong đó có định hướng cụ thể đối với từng sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.
Cơ cấu lại sản xuất từng lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp theo hướng cụ thể hóa tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân từng lĩnh vực.
Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng: Đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững giữa các địa phương nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương, hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển sản phẩm đặc sản kết nối với phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch biển.
Lê Thúy