HTX Hồng Xuân thu mua vải của thành viên phục vụ xuất khẩu. |
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản được xem là thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam tăng cường tham gia đàm phán và ký kết các FTA, trong đó các HTX đóng vai trò như là một mắt xích trong chuỗi giá trị này.
Lãng phí nông sản
Tuy nhiên các HTX sản xuất nông sản xuất khẩu vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định. Chẳng hạn như chủng loại sản phẩm xuất khẩu chưa đa dạng, hầu hết là sản phẩm thô nên chưa đáp ứng được các tiêu chí của các nước nhập khẩu.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, chỉ có 5% hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đạt các tiêu chuẩn và xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Số còn lại chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất.
Đã có những lô hàng xuất khẩu của nước ta sang các nước như Nhật Bản, EU bị từ chối nhập cảnh hoặc bị giám sát, áp lệnh kiểm tra 100%. Trong đó, các khâu làm giảm chất lượng sản phẩm xuất phát chủ yếu từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến. Việc nông sản Việt Nam không đạt tiêu chuẩn bị trả lại nhiều lần không những gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến uy tín nông sản Việt.
Nguyên nhân của tình trạng trên ngoài do yếu tố khách quan thì phần lớn là do yếu tố con người. Việc các thành viên, hộ dân trực tiếp tham gia sản xuất chưa đạt chuẩn, chưa có ý thức cao dẫn đến nhiều lãng phí trong hoạt động sản xuất từ chọn mua giống, canh tác, chế biến, vận chuyển nông sản của các HTX. Tiêu biểu như lãng phí sai hỏng đặc biệt là trong quá trình sản xuất và vận chuyển, lãng phí dư thừa vật tư do kế hoạch sản xuất chưa được tối ưu hóa, lãng phí về thiếu tư duy sản xuất và kinh doanh bền vững từ các thành viên, người nông dân.
Theo Bộ NN&PTNT, khâu chế biến chỉ sử dụng 5-15% sản lượng nông sản sản xuất ra nên chưa đa dạng được sản phẩm và gây lãng phí. Bên cạnh đó là việc sản xuất phế, phụ phẩm còn rất hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng. Ví dụ trong sản xuất lúa gạo, với sản lượng trên 40 triệu tấn lúa/ năm, sẽ có khoảng 40 triệu tấn rơm, 8 triệu tấn trấu và 4 triệu tấn cám có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng ngoài gạo như dầu cám, thức ăn chăn nuôi, củi trấu, giá thể nấm… nhưng hiện chưa được khai thác.
Ngoài ra, hầu hết các HTX sản xuất nông sản xuất khẩu chưa được quản trị một cách khoa học, hệ thống mà chủ yếu được quản trị theo cảm tính, thói quen của những người đứng đầu.
Mối quan hệ win-win
Để cạnh tranh và có thế xuất khẩu, các HTX buộc phải làm chủ cuộc chơi. Muốn vậy, những người đứng đầu HTX phải chủ động tìm ra phương thức quản trị, hoạt động phù hợp nhất với đặc điểm của từng mô hình, từ đó giúp thành viên hiểu được vai trò của mình trong sản xuất, giúp bảo đảm được chất lượng nông sản mà các thị trường nhập khẩu yêu cầu.
Thực tế đã có HTX làm được điều này. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn, Bắc Giang). Ngay từ những người đứng đầu HTX đến các thành viên, hộ liên kết đều xác định được ý nghĩa của các hoạt động sản xuất mà mình tham gia, do đó họ đều cố gắng sản xuất một cách tốt nhất.
Áp dụng quy trình GlobalGAP, các thành viên chú trọng nay từ khi dồn điền đổi thửa khi di chuyển trang trại chăn nuôi sang các xã lân cận để dành đất sản xuất sản vải trên cánh đồng lớn.
Ở các khâu như lựa chọn giống, canh tác, sơ chế, lưu kho, vận chuyển đều được chú trọng bởi theo các thành viên, chỉ cần một người không bảo đảm được một khâu nào đó thì cả quá trình xuất khẩu vải thiều coi như “đổ sông đổ bể” và làm ảnh hướng đến sự nỗ lực của các thành viên, đối tượng khác trong chuỗi.
Bên cạnh đó, Ban quản trị HTX cũng đã xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp cắt giảm sự lãng phí thay vì cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận bằng mọi giá như: tìm đầu mối liên kết với các sở ban ngành để sản xuất đồng bộ, tuyệt đối không được trà trộn những quả vải kém chất lượng vào vải bảo đảm chất lượng, không phun các loại thuốc tăng trưởng để rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, thống nhất loại phân bón để mua với số lượng lớn...
Những hoạt động tưởng chừng như đơn giản này đã giúp tăng cường chất lượng nông sản, hạn chế nhiều loại chi phí lãng phí trong sản xuất và kinh doanh… từ đó hạ giá thành và bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Hiện, chi phí đầu vào của HTX giảm được 15-20% so với sản xuất đơn lẻ. Giá vải thiều xuất sang Mỹ, Nga cao gấp 3-4 lần so với sản xuất đại trà và thành viên không còn đối mặt với cảnh “được mùa mất giá”.
Theo PGS, TS Phạm Đăng Minh (Chủ tịch Viện Quản trị tinh gọn GKM, những mô hình như HTX Hồng Xuân hiện nay vẫn còn khiêm tốn vì ngoài tiềm lực vốn, cơ sở vật chất, đòi hỏi cán bộ quản lý HTX phải có năng lực trong tổ chức sản xuất, liên kết.
"Ở mỗi vùng, mỗi HTX khác nhau cần có những cách quản trị phù hợp để vừa giúp người dân, thành viên nhận ra giá trị, lợi ích khi tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu. Nếu nhiều HTX thực hiện được điều này sẽ giúp nâng cao giá trị hàng nông sản Việt trên thị trường quốc tế”, ông Minh nói.
Còn theo ông Lê Đức Thịnh, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đã có những chính sách hỗ trợ HTX về phát triển theo chuỗi, đào tạo nhân lực... Tuy nhiên, muốn các chính sách này đi vào thực tế, ngoài sự hỗ trợ từ các cấp, sự chủ động của các HTX, người dân sẽ là đòn bẩy quan trọng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
“HTX có thể kết nạp thành viên trẻ, tham gia các dự án khởi nghiệp hoặc cao hơn là thuê chuyên gia tư vấn hoặc liên kết với doanh nghiệp để hoàn thiện việc quản lý và sản xuất”, ông Thịnh cho biết.
Huyền Trang