Trước đây, do sản xuất nhỏ lẻ nên người dân có thu nhập không cao vì phải thông qua “bàn tay” thương lái. Trước thực trạng trên, 23 hộ dân trên địa bàn xã Hồng Minh đã cùng nhau thành lập HTX Vũ Anh, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất an toàn trên diện tích 30ha. HTX hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Chuyển từ lượng sang chất
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, HTX chủ động dồn điền đổi thửa, thực hiện sản xuất theo hướng tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các thành viên áp dụng công nghệ trong sản xuất rau an toàn kết hợp với ứng dụng công nghệ sinh học.
Toàn bộ quy trình sản xuất, thành viên phải sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” là đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ liều lượng, đúng cách. Phân, thuốc hóa học được thay thế bằng các loại phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, chế phẩm sinh học để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu riêng cho nông sản.
Ông Bùi Văn Vũ, Giám đốc HTX, chia sẻ: Đây mới là năm thứ 2 các thành viên sản xuất rau theo hướng an toàn nhưng lợi ích đã thấy rõ. Sức khỏe của người dân được cải thiện rất nhiều vì mỗi vụ không phải 3-4 lần đi phun thuốc sâu như trước nữa. Hơn thế, đồng đất cũng được hồi sinh, màu mỡ hơn, tôm cá ở các kênh mương và các loại thiên địch cũng bắt đầu xuất hiện trên cánh đồng.
Làm cỏ thủ công giúp hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ độc hại. |
HTX chủ động đầu tư gần 2 tỷ đồng trang bị các loại máy làm đất, máy phun thuốc trừ sâu, máy bơm..., xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản để gieo trồng theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, nông sản không bị hư hỏng, thúc đẩy tăng nguồn thu cho thành viên.
Đến nay, vùng sản xuất 30ha của HTX đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Nông sản được cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, một số siêu thị tại Hà Nội. Chỉ tính riêng năm 2019, HTX cung cấp ra thị trường 150 tấn bí, dưa chuột... Không chỉ là địa chỉ của nông sản an toàn, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Mở rộng sản xuất
Thực hiện tái cơ cấu kinh tế, HTX mở rộng sản xuất sang trồng ớt xuất khẩu thông qua sự liên kết với một công ty ở Hà Nội. Diện tích ớt của HTX hiện có là 5ha, được áp dụng theo quy trình nghiêm ngặt, có sự giám sát từ phía doanh nghiệp
Thành viên được hướng dẫn và thực hiện quy trình trồng ớt "5 không": Không sử dụng giống không rõ nguồn gốc, không phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không sử dụng cây trồng biến đổi gen, không thuốc kích thích tăng trưởng cũng như thuốc trừ cỏ.
Trong suốt quá trình sinh trưởng, người trồng chỉ bón duy nhất loại phân hữu cơ đã được ủ hoại mục từ trước đó ít nhất 3 tháng. Nếu có dịch bệnh, phải được sự cho phép của các kỹ sư mới được dùng thuốc theo chỉ định. Toàn bộ nước tưới đều được xét nghiệm bảo đảm tiêu chuẩn, không bị nhiễm hóa chất độc hại và kim loại nặng.
Người dân kiểm tra chất lượng ớt. |
HTX cũng có thùng chứa phân bón sinh học (phế phẩm nông nghiệp và phân gà ủ hoai mục), thực hiện bẫy bọ nhảy, các loại bẫy bả sâu bệnh rất đa dạng, phong phú giúp hạn chế phải dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ban giám đốc HTX, vì ớt phục vụ xuất khẩu nên phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tồn dư thuốc BVTV. Chính vì vậy, trong quá trình trồng, phía doanh nghiệp liên tục thực hiện test nhanh xem thành viên bảo đảm tiêu chí “5 không” chưa và cần điều chỉnh những gì. Nếu đáp ứng đúng và đủ các yêu cầu, ớt sẽ được thu mua sau 70-80 ngày với năng suất trung bình đạt 25 tấn/ha.
Theo tính toán của HTX, vì đầu ra thuận lợi, doanh thu năm 2020 của HTX ước đạt gần 3 tỷ đồng, bảo đảm thu nhập cho thành viên và người dân.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, tuy mới thành lập nhưng HTX Vũ Anh đã đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, mạnh dạn đầu tư, liên kết theo chuỗi giá trị. Đây là mô hình tiêu biểu về hiệu quả kinh doanh và bảo vệ môi trường nên Liên minh sẽ kết hợp cùng các cấp ngành để nhân rộng.
Như Yến