Ngoài trồng các loại rau như cải ngồng, cải bẹ, bắp cải, súp lơ, cà chua, dưa chuột, HTX Học Lập còn mở rộng diện tích trồng dưa lưới, dưa vàng… Rau quả ở đây được các thành viên trồng theo chuẩn VietGAP, bảo đảm sạch, an toàn, loại trừ tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Xây dựng thương hiệu
Theo các thành viên HTX, trồng rau quả an toàn so với trồng lúa lãi hơn nhiều. Làm rau có thể thu hoạch quanh năm, tính ra một năm, trừ chi phí cũng lãi gần 100 triệu đồng.
Để các thành viên và người dân thích ứng dần với quy trình sản xuất an toàn, HTX đã chia thành các tổ sản xuất rau sạch, giúp người dân liên kết và trao đổi kinh nghiệm với HTX dễ dàng hơn.
Thông qua cầu nối là Hội Nông dân, cán bộ Chi cục BVTV tỉnh đã xuống tập huấn, hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các thành viên tuân thủ quy trình làm đất, kỹ thuật gieo giống, đặc biệt là thời gian cách ly sau khi phun thuốc BVTV phải từ 8 ngày trở lên mới được thu hoạch.
Do tiếp thu, thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, rau, củ, quả của HTX đã dần khẳng định chất lượng với người tiêu dùng, vì thế đầu ra cũng không quá khó khăn, lượng tiêu thụ mạnh hơn.
HTX đã triển khai đăng ký tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng sản phẩm để thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm đến với thị trường lớn hơn, cũng như để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng.
Hiện nay, ngoài tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong tỉnh, nông sản của HTX còn được đưa vào phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh và Tp.Hà Nội.
Việc thực hiện sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa theo hướng VietGAP của HTX đã từng bước xóa bỏ tập quán canh tác manh mún, không tập trung để hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, từ đó góp phần phát triển nền nông nghiệp an toàn, bền vững tại địa phương.
Mô hình nhà lưới trồng rau an toàn của HTX |
Đầu tư sản xuất
Giám đốc HTX - ông Nông Văn Học, cho biết: Bước đầu, các thành viên tập trung canh tác, trồng rau theo đúng quy trình VietGAP cơ bản; sau đó mới thực hiện sản xuất theo đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn. Nhờ đó, các thành viên và người dân dễ tiếp cận KH-KT, không quá bỡ ngỡ trong quá trình áp dụng các quy định sản xuất rau VietGAP.
Song song đó, HTX tập trung mở rộng quy mô, xây dựng nhà lưới, hướng đến quy trình sản xuất bền vững.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đã thực hiện trồng luân canh các loại rau củ quả. Lúc nào, HTX cũng có nông sản phục vụ khách hàng. Biện pháp luân canh còn giúp HTX tận dụng đất sản xuất, tránh tình trạng đất bị bỏ hoang.
Hiện, HTX đã đầu tư nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới phun ẩm bằng nguồn nước sạch với vốn đầu tư cả tỷ đồng. Trong quá trình canh tác, HTX yêu cầu các thành viên tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, không sử dụng phân hóa học và tập trung sử dụng các loại phân hữu cơ và thuốc BVTV sinh học.
Đặc biệt, HTX đầu tư xây bể chứa rác thải đồng thời thu gom rơm, rạ, tận dụng các loại phân chuồng sau đó đem trộn với chế phẩm để khử hết nấm mốc và lên men thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất.
Việc này vừa giữ cho đất có độ tơi xốp màu mỡ được lâu, chất lượng rau lại bảo đảm an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần thiết thực BVMT, hạn chế rác thải độc hại từ quá trình sản xuất.
Hoạt động của HTX Học Lập đã được khẳng định, khi góp phần xây dựng thành công vành đai thực phẩm chất lượng cao của huyện. Mô hình này là hướng đi đúng đắn, thực sự phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay, đồng thời đem lại ổn định kinh tế cũng như đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc BVMT, hệ sinh thái của địa phương.
Như Yến