Xuất phát từ điều kiện thực tế ở địa phương và nhu cầu việc làm của lao động nữ nhàn rỗi, đầu năm 2017, Tổ hợp tác (THT) tép rang dừa Mỹ Hưng đã được thành lập với 20 thành viên tham gia, trong đó có 10 hộ nghèo, cận nghèo.
Thể hiện sự quyết tâm cao của các thành viên trong THT với mong muốn đưa thương thiệu tép rang dừa vươn xa, chị Trần Thị Diền đã đi đầu trong việc mang sản phẩm đi quảng bá tại hội chợ, khu du lịch.
Tiêu chuẩn làm nên món tép
Là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ Hưng, chị Trần Thị Diền luôn năng nổ, nhiệt tình giúp cho phong trào phụ nữ và hoạt động Hội đạt được nhiều thành tích trong những năm qua.
Đồng thời, trong vai trò Trưởng Ban nữ công Công đoàn cơ sở xã, chị luôn chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Công đoàn viên, nữ công nhân viên lao động.
“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị đã mạnh dạn khởi nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ thông qua THT tép rang dừa.
“Ở địa phương, con tép thiên nhiên rất dồi dào, dừa có chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm tép rang dừa chưa có trên thị trường nên chị em mới có ý tưởng này, đồng thời cố gắng kết nối với các cơ sở, doanh nghiệp để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình”, chị Diền chia sẻ.
Hiện nay, THT là thành viên HTX Dịch vụ thương mại hương dừa xanh của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Theo sự phân công của THT, một nhóm thành viên đảm nhiệm việc thu mua nguyên liệu tép tươi sống.
Nhóm khác làm tép, nạo dừa, vắt nước cốt. Nhóm còn lại rang tép. Các thành viên THT cho rằng công đoạn rang tép trên lò củi đốt là khâu cần nhiều kỹ thuật và hấp dẫn nhất.
Nước cốt dừa sau khi đã được đun sôi đến “bồng con”, tép bạc mới được thả vào và người đứng bếp phải đảo tép liên tục cho đều. Từng con tép chuyển màu đỏ ửng. Nước trong chảo gần cạn, mùi thơm của nước cốt cô sánh lại quyện vào con tép thơm lừng.
Cũng trong khoảng thời gian này, chỉ có hai loại gia vị gồm đường cát và muối sẽ được cho vào chảo tép. Khi nước cốt dừa sệt lại, cho chén nước cốt dừa đậm đặc vào chảo và tiếp tục đảo đều tay, liên tục đến khi nước cạn sền sệt.
Giai đoạn này nếu tép không được đảo đều tay và lửa lớn sẽ dễ dẫn đến khét. Mùi thơm tép chín càng nồng hơn, đậm đà hơn. Vỏ tép chín phồng lên, màu đỏ au. Ăn vào cảm nhận vỏ giòn kháy, thịt dẻo, dai, vị đậm đà và béo nước cốt. Tép rang nước cốt dừa thành phẩm được bán với giá 300 ngàn đồng/kg.
Rang tép trên lò củi đốt là khâu cần nhiều kỹ thuật và hấp dẫn nhất |
Nâng tầm thương hiệu
Đến nay, sản phẩm đã được nhiều người biết đến, cơ sở tép rang dừa Mỹ Hưng đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản Bến Tre cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện quan trọng, có tính quyết định để nâng tầm thương hiệu và đưa sản phẩm tép rang dừa đi xa hơn.
Hiện THT đã hoàn thiện các hồ sơ để đưa sản phẩm tép rang dừa vào hệ thống các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Việc Ban quản lý THT được mời tham gia các hội thảo về khởi nghiệp do tỉnh, huyện tổ chức giúp THT tìm ra nhiều hướng đi mới.
Cùng với đó, THT được ban, ngành tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất, thiết bị máy móc để sản xuất thành phẩm. Trước đây, sản phẩm làm xong để vào keo mủ thời gian bảo quản không lâu, nay THT có ý tưởng để vào bịt và hút chân không nên sản phẩm sử dụng được lâu hơn, khoảng 30 ngày.
Cơ sở hiện hoạt động theo đơn đặt hàng và con nước, mỗi tháng bán ra thị trường dao động 50 - 100 kg, góp phần tạo thêm thu nhập cho thành viên. Đây là mô hình hay, thể hiện sự năng động, sáng tạo gắn với thực tế địa phương.
Giá trị mô hình là thắp lửa cho hộ nghèo, cận nghèo, có ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi.
Bà Nguyễn Thị Cà - 56 tuổi, gắn bó với cơ sở ngay thời gian đầu thành lập, chia sẻ: “Ở dưới Dì Diền mở ra làm tép cũng tham gia vô mần, thì thấy cũng được, sáng tranh thủ lo mọi việc trong gia đình rồi đi làm, mỗi ngày kiếm cũng được năm, bảy chục ngàn”.
THT tép rang dừa được hình thành có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo thêm việc làm cho lao động nữ ở địa phương.
Tỉnh Bến Tre cũng xác định đây là một sản phẩm khởi nghiệp trong ngành dừa, với cách làm mới theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của đông đảo người dân xứ Dừa.
Hoàng Lê