Những năm gần đây, UBND xã Hà Tam đã tăng cường vận động, hỗ trợ các hộ nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế gia đình, phát huy phong trào thi đua thoát nghèo, làm giàu bền vững với những cây trồng năng suất cao.
Hiệu quả từ chuyển đổi
Trước năm 2015, phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Hà Tam triển khai trồng mía. Song, những tác động của biến đổi khí hậu khiến hạn hán diễn biến khó lường, giá mía cũng bếp bênh nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Các cây trồng mới đang cho hiệu quả cao nhờ sản xuất khoa học (Ảnh BGL). |
Để sản xuất thích ứng với những thay đổi của thời tiết cực đoan, nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp, UBND xã Hà Tam đã chủ động vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích mía sang cây trồng khác có khả năng chống chịu hạn, với năng suất, chất lượng cao hơn.
Theo đại diện UBND xã Hà Tam, năm 2015, xã có khoảng 1.200 ha mía. Đến nay, sau hơn 5 năm tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích mía chỉ còn 800 ha; các loại cây trồng mới được các hộ sản xuất lựa chọn đưa vào canh tác gồm mít Thái, bơ, na dai, rau màu...
Nhờ những thay đổi trong tư duy sản xuất, áp dụng phương thức sản xuất mới, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật, cơ giới hóa, hầu hết các loại cây trồng mới đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái.
Điển hình như gia đình bà Đỗ Thị Hóa, thành viên HTX nông nghiệp xã Hà Tam, đã thành công chuyển đổi xấp xỉ 4 ha trồng mía sang trồng rau hữu cơ, trong đó bầu lai là cây chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao.
Bà Hóa chia sẻ, trồng bầu theo chuẩn hữu cơ đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng, đặc biệt là trong quá trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, các hợp chất hữu cơ, có nguồn gốc tự nhiên được ưu tiên.
Đơn cử như phân bón, gia đình bà cùng các thành viên HTX chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, hoặc các loại phân vi sinh thân thiện môi trường. Nguồn nước tưới cho cây trồng cũng được đảm bảo độ trong, sạch, ít tạp chất nhằm đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm, mang lại những sản phẩm chất lượng cao.
Đảm bảo tính bền vững
“Tuân thủ quy trình sản xuất sạch, vùng trồng bầu của gia đình tôi cho thu hoạch hơn 7 tạ quả/ngày lúc chính vụ. Với giá bán bình quân 3.000 đồng/kg, doanh thu có thể đạt hơn 2 triệu đồng/ngày. Bầu lai cho thu hoạch 6 tháng/năm. Tôi thấy việc chuyển đổi đất mía sang trồng bầu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều”, bà Hóa cho hay.
Các loại cây trồng mới sẽ được phát triển theo vùng, quy hoạch rõ ràng để đảm bảo tính bền vững (Ảnh BGL). |
Ngoài cây bầu, nhiều nông dân xã Hà Tam đã đầu tư trồng chanh không hạt. Bà con mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để vừa tiết kiệm nước, giảm công lao động, vừa tăng năng suất cây trồng.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, thôn 2, xã Hà Tam hiện đã chuyển 2,5 ha đất sang trồng 2.000 gốc chanh không hạt. Hiện, 400 gốc chanh trồng đầu tiên đã cho thu hoạch, bình quân mỗi ngày thu được 2 tạ quả. Với giá bán 25.000 đồng/kg thì sau một chu kỳ thu hoạch (khoảng 3 tháng), ông thu về hơn 40 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng mía.
Cũng chuyển đất mía sang trồng cây ăn quả, ông Trần Văn Khánh, thôn 1, xã Hà Tam cho hay, trước đây, trên khu đất rộng 6 ha này, gia đình ông độc canh cây mía.
Sau khi cải tạo, lắp đặt hệ thống ống tưới nước tự động, ông chuyển sang trồng 500 cây na, 400 cây dừa xiêm lùn, 400 cây bưởi da xanh, 250 cây mít Thái, 400 cây bơ, 800 cây chanh đào, 150 cây cam Vinh... Hiện, một số diện tích đã cho thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm
Có thể thấy, việc nhanh nhạy bắt nhịp thị trường để chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật đang giúp ngành nông nghiệp xã Hà Tam ngày càng khởi sắc.
Chính những thành công trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần giúp Hà Tam trở thành xã thứ 3 của huyện Đak Pơ về đích nông thôn mới từ cách đây hơn 5 năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, với tốc độ bình quân 5 - 8%/năm, hiện chỉ còn khoảng 3%.
Theo lãnh đạo UBND xã Hà Tam, trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những thành quả đang có, xã sẽ đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa. Đặc biệt, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác, thu hút doanh nghiệp để hình thành liên kết chuỗi, mở rộng và ổn định thị trường tiêu thụ cho nông dân.
Lệ Chi