Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thủ Thừa cho biết, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã cùng các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn mặn ngày càng khốc liệt, từ đó đảm bảo đời sống cho nông dân.
Liên kết là sức mạnh
Bên cạnh việc tập trung chuyển giao các giống cây trồng mới, chế độ canh tác phục vụ sản xuất hàng hóa, ngành nông nghiệp huyện Thủ Thừa đã đẩy mạnh việc đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Thủ Thừa đang thúc đẩy nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao. |
Trong quá trình phát triển, các HTX nông nghiệp trên địa huyện đang thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành liên kết, xây dựng cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất và giải quyết “bài toán” thị trường tiêu thụ cho hàng trăm hộ sản xuất trên địa bàn.
Điển hình, với mong muốn tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị kinh tế và ổn định đầu ra, nhiều nông dân ở xã Tân Thành đã cùng nhau góp vốn thành lập HTX Công nghệ cao Tân Thành.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, với định hướng là sản xuất, kinh doanh theo “cánh đồng mẫu lớn, công nghệ cao, áp dụng hệ thống quản lý sản xuất tiên tiến (GlobalGAP)”, HTX đi vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu không có dư lượng hóa chất trong các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện, tổng diện tích canh tác của HTX lên tới hơn 100 ha, gồm 3 loại cây ăn trái chủ lực là mãng cầu hoàng hậu, thanh long ruột đỏ, ruột tím hồng (loại thanh long phục vụ xuất khẩu) và cam cara.
Giá thu mua tại vườn của các loại trái cây của HTX hiện đều đang ở mức khá cao. Đơn cử mãng cầu hoàng hậu có giá lên tới 180.000 đồng/kg, cam cara có giá 60.000 đồng/kg và thanh long ruột đỏ là 40.000 đồng/kg.
Để nâng cao giá bán, sản phẩm của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn sinh thái, chất lượng vượt trội. Cụ thể, trong canh tác, thành viên HTX tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện môi trường. Nguồn đất, nguồn nước phục vụ sản xuất của HTX cũng liên tục được cải tạo, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh.
Tạo chuyển biến căn cơ
Tương tự, HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh cũng đang là điểm sáng trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường ở Thủ Thừa. Thành lập từ năm 2018, với 30 thành viên, HTX đang có diện tích sản xuất trên 40 ha.
Các thành viên HTX chủ yếu sản xuất các loại rau ăn quả như bầu, bí, khổ qua, dưa leo, mướp.... Với năng suất bình quân 25 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, các thành viên có lãi khoảng 50 triệu đồng/ha (mỗi năm sản xuất từ 3 - 4 vụ).
Các giải pháp hỗ trợ sẽ được huyện đẩy mạnh nhằm giúp nông dân phát triển sản xuất, ứng phó biến đổi khí hậu, dịch bệnh. |
Ông Châu Văn Xuân, thành viên HTX Mỹ Thạnh cho biết: “Thị trường cạnh tranh ngày càng khó, thời tiết có lúc chưa thuận lợi, nguồn vốn còn hạn hẹp nhưng HTX đã linh hoạt, tạo điều kiện tốt nhất cho các thành viên tái đầu tư sản xuất. HTX còn hướng dẫn các thành viên áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống tưới tự động, sử dụng phân bón hữu cơ, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, tìm đầu ra cho sản phẩm. Vào HTX, chúng tôi yên tâm hơn sản xuất đơn lẻ”.
Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thủ Thừa Nguyễn Hữu Lợi, để nâng cao hiệu quả trong trồng trọt và chăn nuôi, thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương đã vận động người dân sản xuất theo hướng hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, huyện lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi để thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính như giống, canh tác, chế biến để có những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, thanh long, cây có múi, bò thịt, thủy sản…
Thời gian tới, cùng với việc triển khai đề án tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguồn nước tưới, xây dựng kế hoạch tưới hợp lý, đồng thời chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn.
Đây được coi là giải pháp quan trọng để ứng phó với tình hình hạn hán, mặn xâm nhập do biến đổi khí hậu, đồng thời bảo đảm tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn.
Mỹ Chí