Ông Đặng Văn Phương - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cho biết: “Để tạo chuyển biến trong nông thôn mới (NTM), ngay từ đầu, huyện đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống giao thương nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”.
Chuyển biến mạnh mẽ
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm thúc đẩy sản xuất, nhất là phát huy vai trò của người dân trong xây dựng NTM, Mỹ Xuyên đã tập trung triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ các mặt hàng chủ lực như tôm, bò sữa, bò lai sind, lúa, màu… theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
NTM cũng trở thành nền tảng hình thành nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, nỗ lực thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Điển hình như mô hình HTX Sản xuất lúa cao sản tại ấp Phônô Camphôth (xã Tham Đôn), hiện có 31 thành viên, tổng diện tích đất sản xuất trên 80 ha.
Sự ra đời của HTX đã giúp thành viên, các hộ dân liên kết có điều kiện tương trợ vốn, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất để giảm rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng và uy tín của sản phẩm.
HTX cũng đang thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV…) và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân địa phương.
Nhờ hạ tầng ngày càng đồng bộ, việc lưu thông đi lại, sản xuất, buôn bán, kinh doanh thêm thuận lợi, nông nghiệp được tái cơ cấu hợp lý… đã giúp thu nhập của người dân Mỹ Xuyên liên tục được cải thiện.
Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 42,5 triệu đồng/người/ năm (tăng 32,7 triệu đồng/người/năm so với 2010). Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo địa phương hiện chỉ là 3,95%, ước đến cuối 2019 sẽ giảm còn 1,94%.
“Trong quá trình xây dựng NTM, huyện luôn đặt quyền và lợi ích của người dân lên trước nhất, hướng tới các giá trị bền vững, lâu dài. Vì vậy, các hoạt động của địa phương nhận được sự ủng hộ rất lớn, đặc biệt trong xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Phương nhấn mạnh.
Mỹ Xuyên đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa để xây dựng NTM theo chiều sâu |
Phát triển theo chiều sâu
Sau khi hoàn thiện 10/10 xã chuẩn NTM, các tiêu chí “làm mới nông thôn” của huyện Mỹ Xuyên được chuyển từ “lượng” sang “chất”, thường xuyên và lâu dài, qua đó, hướng tới mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020.
Thạnh Phú là xã thứ 9 của huyện Mỹ Xuyên được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Ông Mai Thanh Cầu - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, chia sẻ: “Qua gần 10 năm triển khai xây dựng NTM, với sự quyết tâm, đoàn kết và phấn đấu thực hiện, đến nay xã đã đạt 19/19 tiêu chí”.
Thu nhập của người dân tăng từ 15,2 triệu đồng lên 49,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,9%, tỷ lệ trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất đạt 100% và trên 98,5 % hộ sử dụng điện an toàn giúp diện mạo nông thôn của xã từng bước khởi sắc, hạ tầng cơ sở nông thôn phát triển về mọi mặt.
“Trong mục tiêu chung của toàn huyện, xã sẽ đẩy mạnh nâng cao các tiêu chí theo chiều rộng và chiều sâu. Đặc biệt, xã sẽ chủ động hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, mở rộng liên kết giữa HTX, doanh nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Mai Thanh Cầu cho hay.
Tương tự, xã Hòa Tú 2 cũng đang đẩy mạnh xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế điển hình nhằm nâng tầm sản xuất nông nghiệp, tạo chuyển biến sâu trong xây dựng NTM.
Năm 2015, HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A được hỗ trợ chuyển đổi theo Luật HTX 2012. HTX cũng là đơn vị kinh tế hợp tác đầu tiên của tỉnh đạt chứng nhận nuôi tôm theo chuẩn VietGAP và thực hiện liên kết với công ty Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood).
“Việc phát triển các mô hình kinh tế điểm, trong đó có HTX, tổ hợp tác là bước đi quan trọng giúp huyện thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân, qua đó, tạo chuyển biến cho NTM theo hướng bền vững”, ông Trần Quốc Quang - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên, khẳng định.
Nhật Minh