Hiện nay, việc các HTX ứng dụng các tiến bộ KH-KT và phát huy lợi thế vùng miền để phát triển sản xuất đã và đang đưa kinh tế huyện Mai Sơn ngày một khởi sắc, môi trường nông thôn vì vậy cũng có những biến chuyển tích cực.
Khẳng định lợi thế
Trong 7 tháng đầu năm 2019, toàn huyện Mai Sơn đã thành lập mới 9 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX trên địa bàn huyện lên 108 HTX. Trong đó, 88 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, tín dụng.
Do điều kiện sản xuất, hầu hết các HTX tập trung vào chăn nuôi, trồng rau củ quả theo quy mô hàng hóa nên đi kèm với đó là các nhà xưởng sơ chế nông sản (dong, sắn, cà phê, rau…), nguy cơ ô nhiễm môi trường là không hề nhỏ.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường, UBND huyện cùng Phòng NN&PTNT đã tích cực vận động, tạo điều kiện để các HTX hoạt động theo đúng Luật HTX 2012, thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.
Nhờ đó, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp cơ bản hoạt động hiệu quả, giá trị trên 1 ha đất canh tác thu được khoảng 300 - 350 triệu đồng/năm. Điển hình như: HTX nông nghiệp Bảo Khánh, HTX Đoàn Kết Chiềng Mung, HTX Ngọc Lan, HTX Cam Nà Sản, HTX Mé Lếch Cò Nòi, HTX Thanh Sơn… góp phần không nhỏ cho tăng tổng giá trị kinh tế hàng năm của huyện.
Tính đến hết 7/2019, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện là 7.634 ha, tăng 6.213 ha so với năm 2015, gồm các loại cây chủ lực: 2.512 ha xoài; 2.237 ha trồng nhãn, 439 ha trồng cây có múi; 476 ha trồng mận; 269 ha trồng chanh leo; 945 ha trồng sơn tra; 138 ha trồng na dai.
Hầu hết các HTX đã xây dựng được thương hiệu từ sản phẩm cây ăn quả của địa phương, bước đầu đã khẳng định được lợi thế của huyện Mai Sơn.
Từ khi các HTX chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các thành viên HTX, người dân tại Mai Sơn đã vươn lên làm giàu. Bộ mặt nông thôn cũng có những bước chuyển biến rõ rệt, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư đồng bộ, có hiệu quả, môi trường được xanh - sạch hơn.
Thụ phấn nhân tạo cho na, định hình từng quả tại HTX Mé Lếch |
Thay đổi môi trường
Tại xã Cò Nòi, nhờ chú trọng phát triển cây na theo hướng VietGAP với đơn vị đi đầu là HTX Mé Lếch (gồm 20 thành viên) mà nhận thức của người dân về sản xuất đã biến chuyển tích cực. HTX đảm nhiệm các khâu kỹ thuật, đầu ra quảng bá sản phẩm, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với thương lái, đăng ký tem nhãn sản phẩm chung, kiểm soát quy trình sản xuất và cấp tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho các hộ dán lên từng quả na.
Hướng đến sản xuất hữu cơ, HTX đã thực hiện ủ phân hữu cơ sử dụng nguyên liệu từ vỏ cà phê, lõi ngô, phân chuồng, bột sắn và bã dong riềng thay thế phân hóa học để chăm bón vườn cây ăn quả; đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bọ. Nhờ đó, toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả của HTX đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP.
HTX Bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất thành lập năm 2017, với 12 thành viên, có trên 30 ha đất trồng các loại cây ăn quả, như: Nhãn, bưởi da xanh, bưởi Diễn, xoài Đài Loan (Trung Quốc), xoài Thái.
Áp dụng kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP, hiện đã có 6,3 ha/10 ha nhãn của HTX đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Bên cạnh đó, HTX đang tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản liên kết với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu để xuất khẩu.
Nhờ sự phối kết hợp chặt chẽ với các ban ngành, HTX đã chủ động ngăn chặn nguyên nhân gây ô nhiễm trong sản xuất như sử dụng thuốc BVTV hợp lý, xây dựng nhà kho chuyên dụng, hướng dẫn thành viên, người dân bơm xịt thuốc đúng kỹ thuật, ưu tiên sử dụng các biện pháp sinh học để hạn chế sâu hại…
Như Yến