Từ lâu, cây na đã trở thành loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng được nhiều người ưa thích tìm mua khi đến mùa Thu. Nắm bắt được xu thế đó, HTX Liên Khê đã nhanh chóng vận động thành viên, nông dân chuyển đổi từ trồng lúa, chuối tiêu sang trồng na bở.
Chọn na làm cây trồng chủ lực
Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc HTX Liên Khê cho biết những năm gần đây thời tiết, khí hậu thay đổi bất thường không theo quy luật làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều hành thủy lợi, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Diện tích canh tác nông nghiệp trên địa bàn xã đan xen nhau, cao thấp có độ chênh lệch rất lớn.
Tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, công tác quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa được tập trung ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng lúa và môi trường. Sau mỗi vụ thu hoạch, trừ chi phí đi người dân thậm chí không có lãi.
Trăn trở trước thực tế đó, cán bộ HTX đã đi học hỏi các mô hình trồng trọt cho hiệu quả cao ở các địa phương lân cận. HTX nhận thấy mô hình trồng na phù hợp với tình hình địa phương. Khi triển khai trồng na, các thành viên hồ hởi ủng hộ.
Với phương pháp ghép cho cây con có 100% tính trạng của cây mẹ, đồng thời khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn giỏi hơn những cây khác. Sau khi trồng từ 18 tháng trở lên, cây na bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Na chính vụ thường được thu hoạch từ cuối tháng 8 đến hết tháng 11. Giá bán đầu mùa khoảng 100.000 – 130.000 đồng/ kg, giữa mùa giá còn 50.000 – 70.000 đồng/ kg. So với giống na dai, na nhập ngoại, quả na bở truyền thống có những ưu điểm vượt trội hơn hẳn: Năng suất cho trái nhiều, sinh trưởng tốt và cây phát triển cao…
Ông Trịnh Văn Tân – thành viên HTX, cho biết: “HTX phổ biến, hướng dẫn gia đình tôi trồng na theo hàng lối để dễ chăm sóc, bón phân đầy đủ để cây phát triển tốt. Biết áp dụng KH-KT vào chăm sóc, cây na cho thu nhập cao hơn các loại cây khác. Tới đây, gia đình sẽ trồng thay mới những gốc na già để cây phát triển tốt hơn”.
Na đã trở thành loại cây chủ lực của HTX |
Cùng nông dân làm giàu chính đáng
Điểm đáng chú ý của mô hình trồng na do HTX Liên Khê triển khai là HTX hướng dẫn người trồng na chủ động được số vụ trong một năm bằng việc cắt tỉa cành, thúc đẩy cây ra hoa, sau đó chủ động thụ phấn, khống chế số lượng quả. Vậy nên sau mùa na chính vụ, nhiều thành viên vẫn có mùa na gối vụ bán với giá cao hơn.
Thu nhập từ cây na cao gấp 6 – 7 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, quả na rất dễ bán tại thị trường trong nước, thu hoạch đến đâu bán ngay đến đó. Thậm chí những năm gần đây, thương lái khắp nơi ồ ạt đổ về Thủy Nguyên “săn lùng” na bở, do diện tích trồng na bở của miền Bắc ngày càng bị thu hẹp, thay vào đó là các giống cây trồng khác.
Ông Nguyễn Văn Ba – thành viên HTX, cho biết trước gia đình ông chủ yếu trồng chuối tiêu. Nhưng thu nhập từ quả chuối khá bấp bênh vì phụ thuộc nhiều vào thương lái Trung Quốc. Từ khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na do HTX tổ chức, gia đình ông đã dần chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp hiện có sang trồng na. Gia đình ông đang trồng khoảng 1 mẫu na, mỗi mùa thu hoạch trừ chi phí đi thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Do đặc tính sinh trưởng và kháng bệnh nên trồng na hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu góp phần bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, cây na trưởng thành cho thu hoạch 5 – 7 năm, nên người trồng không phải mất nhiều tiền đầu tư giống cây.
Từ một xã miền núi của huyện Thủy Nguyên, nhờ mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, cuộc sống của người dân Liên Khê đã từng bước được cải thiện rõ rệt, có của ăn của để, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Theo UBND xã Liên Khê, những gia đình diện tích ít thì trồng 5 – 10 gốc na. Những gia đình diện tích chuyển đổi được nhiều trồng vài sào, thậm chí hàng mẫu na. Thời gian tới, mô hình cần tiếp tục nhân rộng hướng tới mục tiêu xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Năm 2017, HTX đã được UBND xã giao cho đứng tên để làm logo thương hiệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm với quả “Na Liên Khê”. Đến nay, HTX đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp làm chủ thương hiệu trên. HTX đã kết hợp với Chi cục Khuyến nông mở nhiều lớp tập huấn về sản xuất na an toàn cho các hộ trồng na thuộc nhóm GAP mà HTX quản lý.
Thanh Vân