Hàng năm, diện tích đất sản xuất rau màu các loại của tỉnh Vĩnh Long khoảng hơn 45.000ha, sản lượng bình quân khoảng 900.000 tấn. Hiện, các vùng sản xuất rau màu được quy hoạch và từng bước phát triển thành các vùng chuyên canh với quy mô lớn. Sản phẩm của nông dân tham gia các chuỗi liên kết có đầu ra ổn định, giúp họ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Không lo được mùa mất giá
Nhiều năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm rau màu chủ lực trên địa bàn, các cấp, các ngành và địa phương ở Vĩnh Long đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, chương trình, đề án tác động tích cực trong thực tế, mang lại hiệu quả cao…
Đáng chú ý, để phát triển vùng chuyên canh rau màu lớn, thời gian qua tỉnh Vĩnh Long đã thành lập nhiều HTX trồng rau an toàn để liên kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, các loại rau cải dùng cho các bữa ăn hằng ngày thường được nông dân trồng có thể chia ra các loại: rau ăn lá (như cải xà lách lụa, xà lách xoong, cải bẹ xanh, mồng tơi, rau muống, hành lá, ngò rí…), loại rau lấy củ (gồm củ sắn, củ cải trắng, củ hành...) và loại rau lấy trái (như ớt, bầu bí, khổ qua...). Hầu hết các loại rau này rất dễ trồng, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên ở các nơi trong tỉnh, thời gian sản xuất ngắn, vốn đầu tư thấp (vài triệu đồng/công) nên được nhiều nông dân chọn trồng, nhất là đối với hộ có ít đất, hộ nghèo hoặc những nơi đất cao không tiện trồng lúa.
![]() |
Nông dân nâng cao ý thức sản xuất rau màu theo hướng an toàn, chất lượng, dần hình thành vùng sản xuất tập trung. |
Ông Trần Văn Chiến, 62 tuổi, ở ấp Phước Hanh B, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ là thành viên của Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hậu cho hay, hầu hết các loại rau này rất dễ trồng, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên ở các nơi trong tỉnh, thời gian sản xuất ngắn, vốn đầu tư thấp (vài triệu đồng/công) nên được nhiều nông dân chọn trồng, nhất là đối với hộ có ít đất, hộ nghèo hoặc những nơi đất cao không tiện trồng lúa. Nông dân được cán bộ kỹ thuật xã, huyện hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sản xuất an toàn…. Còn đầu ra sản phẩm rau cải bán rất thuận lợi vì thương lái đến tận ruộng mua, ít cảnh “kêu cứu” như các loại trái cây cam sành, sầu riêng hay khoai lang tím Nhật…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, 5 tháng đầu năm nay, trong khi giá các loại trái cây, khoai lang sụt giảm mạnh thì chỉ có dừa và rau cải các loại giữ ở mức giá cao. Cụ thể, từ đầu tháng 5/2025 đến nay, giá các loại đồ rẫy trong tỉnh tăng từ 25-72% so với hồi tháng 4/2025. Tại HTX Thành Lợi (huyện Bình Tân), giá bán (cao nhất) của cải ngọt là 9.000 đồng/kg (tăng 2.500 đồng/kg), rau muống 8.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg), xà lách xoong 50.000 đồng/kg (tăng 21.000 đồng/kg), dưa leo 10.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg), xà lách thường 11.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg)... Từ đó khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng sản xuất.
Mở rộng vùng chuyên canh
Nói đến vùng chuyên canh rau màu lớn của Vĩnh Long mọi người sẽ nhắc đến huyện Bình Tân, song mấy năm gần đây tại xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình cũng đã hình thành vùng chuyên canh rau màu quy mô lớn. Điểm nhấn nổi bật của huyện là hình thành được chuyên canh có liên kết tiêu thụ bao tiêu đầu ra của HTX Rau màu Ngãi Tứ nên người dân yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Lập (ngụ ấp Bình Quý, xã Ngãi Tứ), cho hay: “Gia đình tôi sản xuất 3 công đất màu. Trước kia, mỗi khi thu hoạch, việc bán sản phẩm rất khó khăn, nhiều lúc bán đổ, bán tháo, giá cả rất bấp bênh. Từ khi tham gia HTX Ngãi Tứ, gia đình tôi không còn lo đầu ra sản phẩm, tất cả được bao tiêu, giá cả cũng cao hơn bán chợ”.
Ông Nguyễn Văn Tám, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Rau màu Ngãi Tứ, chia sẻ: “Mỗi ngày, HTX thu mua cả chục tấn rau màu. Chiều hôm trước, chúng tôi đến tận ruộng, hoặc điện thoại nắm thông tin về số lượng rau màu của người dân để sáng hôm sau đến nhận. Nhiều gia đình để sản phẩm trước nhà, hoặc người của chúng tôi đến tận ruộng để vận chuyển giúp”.
Theo ông Tám, mỗi ngày HTX thu mua 2 chuyến. Buổi sáng sẽ phân phối hàng cho các tỉnh khu vực ĐBSCL và buổi chiều đưa đến các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bến Tre, Long An. HTX ngày càng mở rộng thu mua nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
“Hiện nay thị trường tiêu thụ của HTX rộng, sản phẩm sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Vì vậy, HTX đã thu nạp thêm các thành viên để nâng cao sản lượng
UBND xã Ngãi Tứ cho biết, trước đây, xã chủ yếu sản xuất lúa luân canh với màu. Qua thời gian, nhận thấy trồng màu có hiệu quả kinh tế cao hơn cho nên người dân mạnh dạn chuyển đổi sang chuyên canh màu từ đất lúa kém hiệu quả. Hiện, Ngãi Tứ đã hình thành được vùng chuyên canh màu hơn 220ha. Riêng HTX Rau màu Ngãi Tứ có hơn 20 thành viên với hơn 20 ha sản xuất, mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường trên 600 tấn nông sản rau màu các loại, giúp nông dân xã Ngãi Tứ nói riêng và các vùng chuyên canh rau màu lân cận ở Vĩnh Long nói chung, có đầu ra ổn định.
Hỗ trợ để HTX phát triển
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản, phát triển mô hình HTX rau an toàn tại Vĩnh Long là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả cao.
![]() |
Các thành viên HTX rau an toàn Nắng xanh, ấp Thuận Thành, xã Thuận An, thị xã Bình Minh đang thu hoạch rau. |
Mô hình trồng rau an toàn của các HTX tại tỉnh Vĩnh Long không chỉ góp phần gia tăng giá trị hàng nông sản sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, mà còn đem lại lợi nhuận cao cho nông hộ, giúp địa phương hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Long có thêm 04 xã được quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; lũy kế có 75/83 xã (chiếm tỷ lệ 90,36%) được quyết định công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến nay, tỉnh có 03/07 huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới là thị xã Bình Minh, huyện Bình Tân và huyện Tam Bình, chiếm tỷ lệ 42,86% số đơn vị cấp huyện.
Bên cạnh đó, năm 2024, tổng số hộ nghèo là 1.458 hộ (tỷ lệ 0,49%), tổng số hộ cận nghèo là 6.189 hộ (tỷ lệ 2,06%), kết quả đạt tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,46%/năm, vượt kế hoạch của Chương trình (0,41%/năm). Ước đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,05%.
HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị nông sản và kết nối tiêu thụ cho nông dân. Tuy nhiên, quá trình phát triển của nhiều HTX vẫn gặp không ít khó khăn như quy mô nhỏ, năng lực quản trị yếu, khó tiếp cận vốn và thiếu liên kết bền vững với doanh nghiệp. Để HTX thật sự phát huy hiệu quả, cần có giải pháp đồng bộ từ chính sách đến hỗ trợ hạ tầng, nâng cao năng lực điều hành và thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị.
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm đối với HTX nông nghiệp năm 2025 (đợt 5 và 6) cho 3 dự án với kinh phí hỗ trợ gần 3 tỷ đồng.
Trong đó, huyện Tam Bình có 1 dự án (dự án nhà kho rộng 60m2) của HTX Rau màu Ngãi Tứ (xã Ngãi Tứ). TX Bình Minh có 2 dự án đầu tư xây dựng xưởng, đầu tư thiết bị, máy móc, dụng cụ xưởng sơ chế, chế biến trái cây, nông sản của HTX Rau an toàn Nắng Xanh (xã Thuận An) và của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đông Thành (xã Đông Thành). Các dự án có tổng mức đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng, triển khai thực hiện trong năm 2025-2026.
Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian qua khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh có chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Nhiều mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò của HTX, càng tin tưởng vào hoạt động, lợi ích của HTX mang lại.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh cho các HTX nông nghiệp; tăng cường chức năng HTX kiểu mới.
Hoàng Hà