Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, tháng 6/2012, ông Lê Xuân Hòa đã liên kết với cùng 8 hộ nông dân lân cận thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp và Thương mại Thanh Sơn.
HTX sản xuất trên diện tích đất 5 ha với số vốn hoạt động 200 triệu đồng, đầu tư trồng cây ăn trái (nhãn, na và xoài) tạo vùng chuyên canh hàng hóa. Ngoài ra, HTX còn kinh doanh phân bón và thức ăn chăn nuôi.
Thương hiệu Na Mai Sơn
Trải qua hơn 6 năm hoạt động, HTX không ngừng lớn mạnh cả về số lượng thành viên và chất lượng sản phẩm. Đến nay, HTX đã có 58 thành viên với diện tích canh tác trên 170 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, cây na là cây trồng chủ lực với diện tích canh tác trên 107 ha, cây xoài 36 ha và cây nhãn là 27 ha.
Năm 2016, gần 30 ha na cho thu hái với sản lượng 300 tấn quả, mang lại cho HTX nguồn thu bình quân 250 - 300 triệu đồng/ha; 27 ha nhãn cho thu khoảng 500 tấn quả, bằng hơn 10 tỷ đồng, giúp cho nhiều hộ thành viên trở nên khá giả.
Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Sanh thu 1,5 tỷ đồng từ nhãn, gia đình ông Lê Xuân Hòa và ông Nguyễn Văn Lùng thu ngót 1 tỷ đồng cũng từ nhãn; còn gia đình ông Nguyễn Văn Lục thu 500 triệu đồng và gia đình bà Nguyễn Thị Đỗ thu 700 triệu đồng từ na.
HTX đã được cấp chứng nhận về An toàn thực phẩm tháng 6/2016 và được cấp chứng nhận VietGAP vào tháng 8/2016. Năm 2017, diện tích cây na cho thu hoạch của HTX tăng 30% với sản lượng 70 - 80 tấn quả; diện tích trồng mới lên đến 100 - 110 ha.
Khi mùa thu hái na tàn vào tháng 10, vườn na của các hộ trong HTX cây lá vẫn xanh mướt, quả còn khá nhiều và đặc biệt là quả nào cũng to, tròn, đẹp. Trung bình, mỗi quả khoảng 2,5 - 3 lạng, to gấp 1,5 - 2 lần so với na từ các địa phương khác.
“Trong tổng số hàng trăm ha trồng na của HTX có hơn 33 ha được sản xuất theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, HTX đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm na. Vì vậy, sản phẩm na của HTX xuất bán ra thị trường đều tạo được uy tín, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập cho thành viên”, Giám đốc Lê Xuân Hòa cho biết.
Sản phẩm Na Mai Sơn của HTX được chứng nhận nhãn hiệu |
Sản xuất theo công nghệ cao
Bốn năm trở lại đây, quả na dai của HTX đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố lớn, đòi hỏi cao về chất lượng và hình thức như Lào Cai, Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa… Theo Quốc lộ 6 lên Sơn La, Điện Biên… giờ đây du khách có thêm điểm dừng chân để nghỉ ngơi, ngắm cảnh và mua trái cây làm quà, đó là “phố na” ở tiểu khu 3/2 - Mai Sơn.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX là 100% diện tích đất sản xuất chưa có hệ thống tưới tiêu chủ động, nguồn nước vẫn còn phải phụ thuộc vào thời tiết. Kỹ thuật canh tác chủ yếu từ kinh nghiệm được trao đổi giữa các hộ thành viên nên chất lượng quả, mẫu mã chưa được đồng đều.
HTX chưa có cơ sở hạ tầng đồng bộ như nhà đóng gói, nhà lạnh, xe chở chuyên dụng; thiếu vốn sản xuất, công nghệ đóng gói, bao bì sản phẩm, quảng bá sản phẩm…
Được biết, chính quyền tỉnh Sơn La đang xúc tiến việc hỗ trợ HTX xây dựng nhà bảo quản lạnh, sơ chế và đóng gói trái cây sau thu hoạch có diện tích 2.000 m2. Đồng thời, tỉnh cũng đang trong quá trình hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý sản phẩm na dai.
“Huyện Mai Sơn đã có quyết định hỗ trợ HTX 150 triệu đồng để triển khai mô hình tưới ẩm nhỏ giọt với diện tích 3 ha; 65 triệu đồng hỗ trợ các thành viên đi tham quan học hỏi mô hình trồng na ở Đông Triều (Quảng Ninh), Đồng Bành (Lạng Sơn)”, ông Cầm Văn Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai sơn, cho hay.
Đây là hành động cụ thể, thiết thực của các cấp chính quyền tỉnh Sơn La nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân, cho các HTX tập trung chuyên sâu vào sản xuất nông sản hàng hóa theo hướng công nghệ cao, trồng cây ăn trái trên đất dốc tạo sinh kế phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Hà Xuyên