Giám đốc HTX Thuận Phát, ông Nông Văn Lê cho biết, từ năm 2016, 30 hộ thành viên HTX đã đầu tư xây dựng mô hình trồng tiêu theo quy trình sinh học, trên tổng diện tích hơn 80 ha. Tuy nhiên, để có được thành công như hiện tại là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực không biết mệt mỏi.
Sản xuất sinh học
Theo ông Nông Văn Lê, dù tiến hành sản xuất sinh học, thân thiện môi trường từ năm 2016, nhưng thời điểm đó thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn rất bấp bênh. Tiêu sản xuất sinh học có giá bán không cao hơn so với tiêu sản xuất thông thường.
Tiêu của HTX đang được sản xuất theo quy trình sinh học, thân thiện môi trường (Ảnh TL). |
Để giải quyết “bài toán” đặt ra, HTX Thuận Phát đã chủ động nghiên cứu, đưa cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở nhiều vùng tiêu điểm trong nước, vượt sang cả Campuchia. Sau những chuyến đi, với đầy đủ hành trang cần thiết, HTX quyết định đầu tư hoàn thiện quy trình chế biến tiêu hữu cơ thành tiêu ngũ sắc.
“Sau khi xác định hướng đi mới, HTX đầu tư 300 triệu đồng mua hệ thống lò sấy có công suất 200 kg tiêu/12 giờ, cùng các máy móc rửa, tách cùi, tách hạt để sản xuất tiêu ngũ sắc”, Giám đốc Nông Văn Lê cho hay.
Nằm trong đội ngũ nòng cốt phát triển sản phẩm tiêu ngũ sắc, ông Nguyễn Thế Hải, thành viên HTX Thuận Phát, chia sẻ: “Điều kiện để chế biến thành tiêu ngũ sắc là hồ tiêu phải trồng theo quy trình sinh học, loại bỏ hoàn toàn các hóa chất độc hại có thể gây giảm chất lượng nguồn nguyên liệu và gây ô nhiễm môi trường”.
Theo ông Hải, tiêu sinh học có lượng nước trong trái ít, khi sấy sẽ giữ được màu sắc của tiêu. Sau khi thu hoạch về, tiêu được cho vào máy để tách cùi, tiếp đó cho qua máy sàng để giữ lại quả to.
Sau khi được tuyển chọn kỹ lưỡng, tiêu được rửa sạch, để ráo nước, sấy tia hồng ngoại, cách ly rồi cho vào khay và đưa vào lò sấy, sau 12 tiếng sẽ có tiêu sạch ngũ sắc. Tiêu xanh, tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu trắng, tiêu vàng chính là những màu sắc tự nhiên của hạt tiêu tươi được giữ lại.
“Quy trình chế biến tiêu ngũ sắc đòi hỏi kỹ thuật cao, nguyên liệu phải là tiêu sinh học, tiêu hữu cơ và thu hoạch đúng thời điểm. Sản xuất tiêu ngũ sắc, khó nhất là kiểm soát nhiệt độ trong lò, vì nhiệt độ sẽ quyết định màu sắc của tiêu”, ông Nguyễn Thế Hải cho biết.
Hiệu quả gia tăng
Đến nay, HTX Thuận Phát đã sản xuất được tiêu ngũ sắc khá ổn định với độ sạch tối đa và không sử dụng phẩm màu nào để nhuộm. Quy trình chế biến sau thu hoạch của các thành viên HTX đã nâng giá trị tiêu lên nhiều lần. Cụ thể, giá tiêu đen từ mức 79 – 80 ngàn đồng sau khi chế biến sẽ có giá khoảng 200 ngàn đồng/kg.
Chế biến sâu giúp tiêu của HTX bán được giá cao hơn (Ảnh TL). |
Đáng chú ý, các sản phẩm tiêu ngũ sắc chất lượng cao có giá bán bình quân 550 – 600 nghìn đồng/kg. Đây đang là hướng đi được HTX Thuận Phát tập trung đầu tư để nâng cao giá trị sản xuất cho thành viên.
Ông Nguyễn Đình Lượng, thành viên HTX, cho hay hiện gia đình ông đang có hơn 2.200 trụ hồ tiêu sản xuất sinh học. Sau những thành công ban đầu, ông đang có ý định áp dụng quy trình chế biến tiêu ngũ sắc của HTX để nâng cao lợi nhuận.
Để đạt được mục tiêu, ông Lượng cho biết sẽ tiếp tục áp dụng quy trình sản xuất sạch, nói không với các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại, thay vào đó là các hợp chất vi sinh, sử dụng thiên địch để bảo vệ cây trồng.
Theo đánh giá, sản xuất tiêu sinh học vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, vừa giúp giảm chi phí sản xuất. Đơn cử, từ thu hoạch đến thành phẩm chỉ tốn công rửa, giảm thiểu được chi phí đầu tư sân phơi.
Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ chế biến sau thu hoạch để tạo ra sản phẩm giá trị cao, có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường, mở ra hướng phát triển bền vững cho những vùng trọng điểm sản xuất hồ tiêu như Đắk Song.
Nhật Minh