HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có 28 thành viên tại 4 xã Tú Sơn, Bình Sơn, Vĩnh Tiến, Đú Sáng, sản xuất 112 ha, trong đó tập trung chủ yếu là trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi…
Hiệu quả rõ rệt
Ngoài ra, HTX còn nhân và chăm sóc giống cây nông nghiệp; trồng rau các loại; trồng cây dược liệu; hoạt động dịch vụ trồng trọt, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Diện tích đất sản xuất lớn, lại nằm trên vùng đồi dốc phức tạp, nguồn nước xa nên việc tưới cho cây trồng theo phương pháp truyền thống vừa tốn chi phí nhân công, vừa dễ bị rửa trôi phân bón trước đó và tốn chi phí vì đầu tư hệ thống đường ống quá nhiều. Để khắc phục điều này, HTX đã áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước nhưng hiệu quả không cao.
Người dân, HTX yên tâm hơn nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: ITN) |
Theo ông Nguyễn Trung Huân, Giám đốc HTX Mường Động, mặc dù đã áp dụng quy trình tưới và bón phân riêng, nhưng quá trình tưới đã phần nào rửa trôi phân bón tưới trước, gây lãng phí lớn.
Trước thực tế sản xuất của HTX Mường Động, từ cuối năm 2019, Liên minh HTX Việt Nam triển khai việc nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao hệ thống Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) tích hợp điều khiển tưới, bón phân tự động cho HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động.
Sau hơn một năm áp dụng công nghệ IoT vào sản xuất cho thấy rõ hiệu quả. Cụ thể, HTX đã tiết kiệm được 30% chi phí phân bón, công lao động. Cũng qua thực tế việc ứng dụng công nghệ IoT vào sản xuất đã giúp nông dân nâng cao mật độ canh tác, tăng năng suất cao hơn so với sản xuất thông thường từ 25 đến 35%, nông sản cũng đẹp về mẫu mã, chất lượng hơn và giá bán cao hơn sản xuất thông thường từ 10-15%.
Ông Nguyễn Trung Huân, Giám đốc HTX Mường Động chia sẻ: “Việc áp dụng hệ thống tưới tự động IoT đã giúp thành viên tiết kiệm nguồn nước, giảm nhân công, giảm phân bón, giảm sự bạc màu, rửa trôi của đất, nâng cao chất lượng, hiệu quả của vườn cây”.
Giống như HTX Mường Động, ngay từ khi thành lập HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Gò Dầu (Tây Ninh) đã xác định rõ phương thức sản xuất là ứng dụng công nghệ cao với mô hình sản xuất đa dạng.
HTX có 17 thành viên tự nguyện tham gia, hiện HTX đã có 10 nhà màng (13.400 m2) trồng dưa lưới; 6 nhà lưới trồng rau an toàn (3.500 m2); khoảng 10 ha trồng cây ăn trái các loại (bưởi, sầu riêng, vú sữa, dừa, chanh, quất) và hơn 40 ha sản xuất nông nghiệp khác.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu hiện nay. (Ảnh: ITN) |
Bà Nguyễn Thị Kim Nhung Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX Gò Dầu cho biết, HTX xác định ứng dụng công nghệ IoT trong việc trồng, chăm sóc vườn cây để nâng cao chất lượng, năng xuất, giảm nhân công và những chi phí khác. Đồng thời HTX cũng xác định rõ là phải sử dụng Internet để phục vụ cho việc kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua các sàn giao dịch, các trang web, mạng xã hội…
“Mỗi thành viên HTX sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão hiện nay là hết sức cần thiết để giảm thiểu những rủi ro phát sinh do thị trường, dịch bệnh hoặc thiên tai đang diễn biến bất thường hiện nay”, bà Nhung cho biết.
Xu thế tất yếu
Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Minh, Viện Quản trị tinh gọn GKM, công nghệ tiên tiến đã giúp nền nông nghiệp nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Do đó, việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh ở Việt Nam, nhất là đối với các HTX, đơn vị giúp người dân hợp lại cùng sản xuất, kinh doanh để hạn chế những rủi ro là xu thế tất yếu.
PGS-TS Nguyễn Đăng Minh cho biết thêm, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp cắt giảm chi phí lãng phí trong sản xuất từ 30-55% so với phương pháp truyền thống, gia tăng lợi nhuận. Đặc biệt, việc sử dụng các bộ cảm biến trên cánh đồng; sử dụng công nghệ IoT hoặc robot điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách phù hợp sẽ cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Những tiến bộ trong sử dụng công nghệ IoT hoặc sử dụng robot điều khiển bằng AI giúp nhà nông hạn chế chi phí, sử dụng ít nhân công hơn sản xuất truyền thống. Đặc biệt là giảm chất thải mùa màng, cải thiện an toàn thực phẩm, giảm lượng hóa chất trong môi trường và phát triển tài nguyên bền vững. "Đây là những mục tiêu quan trọng đối với nông dân, HTX nói riêng và toàn xã hội nói chung”, ông Nguyễn Đăng Minh nhấn mạnh.
Phạm Duy