Ngoài cung cấp các loại giống cây trồng cho thành viên và người dân, HTX Thốt Nốt còn sản xuất lúa giống theo hướng hàng hóa.
Nền tảng từ hoạt động bền vững
Theo Ban giám đốc HTX, trước đây mỗi năm bà con trồng lúa đều sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Do tập quán canh tác, một bộ phận không nhỏ nông dân vứt chai lọ thuốc tràn lan trên những tuyến kênh, bờ đê, đất ruộng, gây ô nhiễm môi trường.
Phát huy vai trò của mô hình kinh tế hợp tác, HTX cùng các cấp ngành phát động mô hình thu gom rác thải nông nghiệp. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành viên, nông dân sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Cách làm này đã được nhiều nông dân hưởng ứng, đóng góp xây dựng 10 hố đựng vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng.
Để mô hình đạt hiệu quả, HTX cùng UBND xã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành thu gom và xử lý rác thải nông nghiệp tại các hố mỗi năm 2 lần. Tính trung bình mỗi năm, HTX phối hợp thu gom từ 90-150 kg rác thải từ chai lọ, vỏ thuốc.
Thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật giúp làm sạch đồng ruộng. |
Ngoài việc thu gom, HTX còn tạo điều kiện để thành viên, nông dân tham gia 2 cuộc tuyên truyền về bảo vệ môi trường mỗi năm. Từ đó, từng bước đưa phong trào thu gom rác thải, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp lan tỏa sâu rộng.
Nhờ đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX gặp nhiều thuận lợi, thu hút được sự quan tâm của nhân dân.
Hiện, HTX đang thu hút người dân ở các phường khác nhau trên địa bàn TP Cần Thơ canh tác trên diện tích 50ha. Mỗi hộ thành viên sản xuất ở mức thấp nhất là 1ha. Được sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp, HTX hỗ trợ các thành viên qua các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ công cụ sản xuất, phân bón sinh học,… phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Xây dựng chuỗi giá trị
Ông Nguyễn Văn Nhì, thành viên HTX, cho biết: Trước đây, chưa vào HTX mạnh ai nấy làm, không có tổ chức nên sản xuất không mấy lạc quan, nhất là bị tư thương ép giá. Từ ngày vào HTX đến nay, làm việc theo quy trình khoa học nên mọi người đều tiết giảm được phần thuốc hóa học, chú trọng sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm sản phẩm lúa giống cung cấp ra thị trường.
Mục tiêu của HTX là phát triển mô hình kinh tế hợp tác, từ đó làm động lực để phát triển kinh tế cho từng hộ thành viên, đồng thời tạo việc làm cho người lao động. Trước mắt là phục vụ nhu cầu giống tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho địa bàn và khu vực lân cận đồng thời liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản xuất cho thành viên và nhân dân.
Ông Lý Hòa Hỏi, xã cù lao Tân Lộc, cho biết ông là khách hàng của HTX Thốt Nốt từ nhiều năm qua vì giống lúa của HTX vừa bảo đảm chất lượng, giá cả lại phải chăng.
Hiện, HTX tận dụng mạng di động, tích cực liên lạc với các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo khắp cả nước. Hơn nữa, Ban giám đốc tích cực theo dõi thông tin thị trường trên Internet và các báo... nhằm nắm bắt được tình hình sản xuất, nhu cầu thị trường.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, trong quá trình sản xuất, HTX luôn có sự hỗ trợ từ các kỹ sư. |
Dần dần qua từng năm tích lũy, HTX có điều kiện đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị sơ chế (gồm 3 lò sấy, 2 máy sàng, hệ thống dây chuyền băng tải) lưu trữ bảo quản lúa giống theo tiêu chuẩn. Lúa giống sản xuất ra có kiểm nghiệm, chứng nhận và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Đến nay, 50ha canh tác lúa giống của các thành viên có đầu ra ổn định. Mỗi năm, HTX sản xuất và cung ứng 600-800 tấn lúa giống các loại cho thị trường tại thành phố và các tỉnh lân cận.
Theo ngành nông nghiệp địa phương, sau thời gian đi vào hoạt động, HTX Giống Nông nghiệp Thốt Nốt đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động. Đặc biệt, mô hình HTX có kiểm soát viên, kế toán… nên mọi hoạt động đã đi vào nề nếp, từ đó hỗ trợ các thành viên sản xuất lúa giống đảm bảo đúng tiêu chuẩn, thúc đẩy đầu ra cho nông sản.
Như Yến