Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Ia Grai cho thấy, tổng diện tích mặt nước trên địa bàn huyện hiện vào khoảng 403 ha. Trong đó, diện tích mặt nước các công trình thủy điện, hồ đập thủy lợi vừa và nhỏ khoảng 363 ha; diện tích ao, hồ nhỏ người dân đào để nuôi cá 40 ha.
Xây dựng mô hình từ lợi thế tự nhiên
Ông Đào Lân Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ia Grai, cho hay: “Với hiệu quả kinh tế từ việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, thủy lợi mang lại, khoảng 2 năm trở lại đây, huyện xuất nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp khoảng 100 triệu đồng hỗ trợ người dân triển khai mô hình này. Huyện cũng mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng cho người dân học tập… Theo tính toán, tổng sản lượng cá lồng thu hoạch được của huyện trong năm 2019 đạt khoảng 150 tấn”.
Thông thường vào khoảng tháng 3, người dân thả cá giống nuôi lồng (Ảnh: Internet) |
Với thế mạnh tự nhiên là mực nước tại lòng hồ thủy điện luôn duy trì ở mức ổn định là điều kiện đảm bảo cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản, nhiều người dân trên địa bàn huyện đã và đang phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện như: lòng hồ thủy điện Phan Vũ, thủy điện Sê San 4, thủy điện Ia Grai 1, hồ đội 6 thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Châm, hồ Ia Năng...
Các loại cá được người dân đưa vào nuôi gồm: trắm cỏ, chép, mè, trôi, rô phi đơn tính, diêu hồng, trê và cả một số loại có giá trị kinh tế cao là cá lăng, cá bống tượng.
Tại Ia Grăng - một trong những xã khó khăn của huyện Ia Grai, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, cao su, điều, mì. Dù xã có lợi thế về diện tích mặt nước các công trình thủy điện rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhưng người dân lại chưa quan tâm khai thác tiềm năng này. Lâu nay, bà con chủ yếu khai thác cá tự nhiên trên các lòng hồ.
Trước thực tế đó, để giúp người dân xã Ia Grăng tiếp cận với nghề nuôi trồng thủy sản, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, huyện Ia Grai đã triển khai mô hình hỗ trợ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ia Grai 1. Mô hình được triển khai từ tháng 3 - 12/2018 cho 8 hộ dân ở làng Hluh với tổng kinh phí hơn 187 triệu đồng (CTCP Quốc Cường Gia Lai hỗ trợ 100 triệu đồng, ngân sách huyện 10 triệu đồng và các hộ dân đóng góp hơn 77 triệu đồng). Các giống cá được đưa vào nuôi là diêu hồng, rô phi đơn tính và cá rô đầu vuông. Đây được xem là hướng đi phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện giai đoạn 2016-2020.
Ông Rơ Châm Chiếc - một trong 8 hộ ở làng Hluh tham gia mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ia Grai 1, phấn khởi cho biết: “Lâu nay, chúng tôi chủ yếu là đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện chứ chưa nuôi cá. Cá tự nhiên trên các lòng hồ ngày càng giảm nên chúng tôi cũng muốn nuôi nhưng không có vốn đầu tư. Nay được UBND huyện và Công ty Quốc Cường Gia Lai hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá, chúng tôi rất mừng. Hy vọng mô hình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi cũng cam kết sẽ nhân rộng số lượng lồng nuôi và duy trì nuôi trong 2 năm tiếp theo”.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ia Grai Nguyễn Phùng Hưng thông tin, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện đã tiếp cận được với mô hình nuôi cá lồng trên các lòng hồ. Ngoài ra, người dân tự đào ao, hồ nuôi theo hình thức quảng canh và tự mua các loại cá giống theo nhu cầu thị trường về thả. Thị trường tiêu thụ thủy sản tương đối ổn định nhưng vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận.
Tổng sản lượng cá lồng thu hoạch được của huyện trong năm 2019 đạt khoảng 150 tấn (Ảnh: Internet) |
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích người dân phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản; duy trì triển khai nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi và đa dạng hóa các đối tượng, phương thức nuôi; khuyến khích phát triển mối liên kết chuỗi sản xuất, khai thác, nuôi trồng và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản...”, ông Hưng chia sẻ.
Sức hút của hợp tác xã
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, phong trào nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện hiện phát triển khá mạnh. Đến nay, trên địa bàn huyện có 3 HTX chuyên nuôi cá lồng.
Ông Lê Quang Đạo - Chủ tịch UBND xã Ia Grăng, cho biết: “Lâu nay, trên địa bàn xã chưa phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Đây là mô hình mới nên để triển khai thực hiện có hiệu quả, UBND xã đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, CTCP Quốc Cường Gia Lai tuyên truyền cho người dân hiểu, tích cực tham gia. Khi mô hình triển khai mang lại hiệu quả kinh tế sẽ góp phần mở ra hướng làm ăn mới cho người dân, góp phần vào công tác giảm nghèo trên địa bàn. Xã đã thành lập HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản với ngành nghề chính là nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Việc thành lập HTX sẽ góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã theo hướng hàng hóa, xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.
Số thành viên HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng đã tăng 7 người lên 26 người, quy mô nuôi cá tăng từ 8 lồng lên 30 lồng (Ảnh: Internet) |
HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng được thành lập vào năm 2017 với 7 thành viên, chuyên nuôi cá nước ngọt trong lồng tại hồ thủy điện Ia Grai 1. Đến nay, số thành viên HTX đã tăng lên 26 người; quy mô nuôi cá tăng từ 8 lồng lên 30 lồng, đảm bảo nguồn cá thương phẩm cung cấp thường xuyên cho người tiêu dùng trong tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Yên-Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, cho biết nuôi cá lồng thuận lợi và hiệu quả hơn so với nuôi thả tự nhiên vì kiểm soát được chất lượng nguồn nước và các loại dịch bệnh. Mỗi lồng nuôi 2,5-3 tấn cá diêu hồng, trắm cỏ… khoảng 6 tháng thì thu hoạch. Mỗi năm, HTX thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt 8-10 tấn cá. Giá cá thường phụ thuộc vào thị trường nhưng nếu xuống thấp cũng có lãi 5 triệu đồng/tấn. Nhìn chung, hiệu quả từ nuôi cá lồng ổn định hơn so với vật nuôi khác, thu nhập của các thành viên vì thế cũng được đảm bảo, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Thấy mô hình đem lại hiệu quả, từ năm 2018 đến nay, thay vì chia lợi nhuận cho các thành viên, HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng dùng số tiền này tiếp tục đầu tư làm lồng bè mở rộng diện tích nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao hơn. 30 lồng cá hiện tại của HTX được nuôi thành nhiều lứa để tạo nguồn hàng thường xuyên bán ra thị trường. Dù nuôi cá lăng 2 năm mới được thu hoạch nhưng các thành viên đều đồng lòng với phương án lấy ngắn nuôi dài để hướng đến xây dựng thương hiệu cá lăng Gia Lai.
Cuối tháng 10/2019, UBND huyện Ia Grai đã phê duyệt cho UBND xã Ia Grăng triển khai dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ia Grăng 1 tại làng Hlũ; thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2020, đồng thời giao cho HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 1,53 tỷ đồng, trong đó vốn chương trình xây dựng nông thôn mới 343 triệu đồng và vốn nhân dân đóng góp hơn 1,19 tỷ đồng. Tham gia mô hình có 26 thành viên của HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng.
Anh Trần Vũ Hùng - thành viên HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng, cho biết: “HTX muốn tìm hướng đi mới cho thành viên nên đã tận dụng diện tích mặt nước trên địa bàn để triển khai mô hình nuôi cá lồng. Những ngày đầu nuôi cá, các thành viên cũng gặp nhiều khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, chế độ cho ăn, theo dõi nguồn nước, sức khỏe của cá... Ngoài ra, vào đầu mùa mưa, nguồn nước thường không đảm bảo khiến cá hay bị bệnh ngoài da. Để bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm nuôi cá, HTX đã cử thành viên đi tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức và đi tham quan một số mô hình trên địa bàn tỉnh”.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ nuôi thêm những loại khác như cá trê, cá chình. Đồng thời, HTX sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ để đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm”, anh Hùng chia sẻ.
Đức Nguyễn