Theo kinh nghiệm của người dân Sơn Động, chất lượng mật ong tùy thuộc vào thời gian khai thác mật, mùa khai thác mật đạt chất lượng cao nhất vào khoảng tháng 3 -4 hàng năm. Tháng 9 -11 thì cũng khai thác tốt nhưng mật hơi đắng, còn các tháng khác trong năm thì khai thác ít hơn vì qua vụ hè thu hoa rừng ít.
Mật ngọt của núi rừng
Gia đình ông Chu Xuân Tuyên (dân tộc Tày) và nhiều hộ dân ở thôn Đồng Chu (xã Yên Định) đã biết đến nghề nuôi ong từ khá lâu, nhưng kinh tế eo hẹp nên quy mô nuôi nhỏ lẻ, không có điều kiện nâng số lượng đàn.
Nuôi ong lấy mật là một trong những nghề tận dụng thế mạnh tự nhiên tại huyện Sơn Động, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân (Ảnh: Internet) |
Năm 2018, được hỗ trợ 30 đàn ong giống theo chương trình 30a, cùng với số ong có sẵn, ông Tuyên mở rộng sản xuất lên hơn 200 đàn, thu được 200 lít mật; năm 2019 thu hơn 300 lít mật, dự kiến năm nay hoa vải thiều và nhãn nhiều nên sản lượng sẽ tăng đáng kể.
Với giá bán hơn 150.000 đồng/lít, gia đình ông Tuyên có được khoản thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hơn nữa, do nuôi ong bằng nguồn hoa tự nhiên nên chất lượng mật tương đương như ong rừng, thương lái vì thế thường xuyên đến tận nhà ông thu mua, tiêu thụ dễ dàng.
Ông Tuyên cho biết nuôi ong vốn ít, lãi nhiều, tận dụng thế mạnh của miền núi, vùng cao có diện tích rừng lớn nên nghề này rất phù hợp với những hộ nghèo. Nhờ có hỗ trợ từ chương trình 30a, gia đình có điều kiện phát triển đàn ong, mở rộng sản xuất. Hiện nay, ông đang truyền nghề cho hai người con trai cùng mong muốn mở rộng mô hình, kết hợp giữa trồng rừng, cây ăn quả và chăn nuôi. Với bà con làng xóm, ông luôn sẵn sàng cung cấp giống và trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong để cùng nhau chung tay xây dựng đời sống ấm no.
Tại các xã vùng cao Sơn Động, tận dụng thế mạnh thiên nhiên ưu đãi của rừng núi, hàng trăm hộ dân đã thoát nghèo, một số hộ khá giả nhờ nghề nuôi ong mật. Điển hình như hộ ông Nông Văn Hùng ở thôn Trại Chùa, xã Yên Định với kinh nghiệm gần 20 năm nuôi ong lấy mật, bình quân mỗi năm nuôi gần 200 đàn, mỗi đàn kéo được từ 10 - 16 lít mật, bán ra thị trường hơn 2.000 lít mật; hộ anh Lương Văn Tuyến ở thôn An Bá, xã An Bá gắn bó với nghề nuôi ong được 10 năm, mỗi năm duy trì từ 50 - 70 đàn, đưa ra thị trường khoảng 800 lít mật...
Đáng chú là mô hình kinh tế HTX trong nghề nuôi ong. Năm 2018, HTX dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh, xã An Lạc đã đầu tư nuôi ong theo phương pháp hữu cơ, hơn 1.000 tổ ong trong vườn, nhưng mỗi năm chỉ khai thác mật một vụ từ tháng 5 - 9 nên chất lượng mật hơn hẳn các loại mật ong thông thường, không chỉ chất lượng mật tốt, sản phẩm mật đóng chai thủy tinh có mẫu mã rất đẹp, sang trọng, phù hợp để làm quà biếu. Sau nửa năm đi vào hoạt động với 7 thành viên chính thức và 20 hộ liên kết sản xuất, mật ong Thảo Mộc Linh đã cung cấp hơn 2.000 lít cho khách hàng ở Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM đặt mua với mức giá cao hơn khoảng 30% so với giá bán thông thường.
UBND huyện Sơn Động đã triển khai kế hoạch xây dựng và bảo hộ thương hiệu mật ong rừng Sơn Động - được coi là một giải pháp để giúp bà con nông dân thoát nghèo nhờ xây dựng một sản phẩm đặc trưng. |
Nhận thấy nhu cầu người tiêu dùng muốn mua sản phẩm cao cấp, ngoài chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp còn phải thuận tiện khi mang đi xa làm quà biếu, nên tháng 7/2018, HTX đã đầu tư hơn 500 triệu đồng mua máy hạ thủy phần, nhập khẩu chai thủy tinh, thiết kế tem nhãn, bao bì cho sản phẩm, hiện nhãn hiệu mật ong của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, đồng thời đơn vị đang chuẩn bị sản xuất sản phẩm theo chuỗi để đưa vào hệ thống siêu thị...
Huyện đã triển khai kế hoạch xây dựng và bảo hộ thương hiệu mật ong rừng Sơn Động (Ảnh: Internet) |
Hiện, trên địa bàn huyện Sơn Động có hơn 8.000 đàn ong mỗi năm cho thu từ 180 - 200 tấn mật, ong được nuôi nhiều ở các xã An Lạc, Giáo Liêm, Tuấn Đạo, Cầm Đàn, Yên Định. Tuy nhiên, việc khai thác lâm sản bừa bãi, khiến diện tích hoa cho ong lấy mật có xu hướng giảm, vì vậy để khắc phục, UBND huyện Sơn Động đã triển khai kế hoạch xây dựng và bảo hộ thương hiệu mật ong rừng Sơn Động - là một giải pháp để giúp bà con nông dân thoát nghèo nhờ xây dựng một sản phẩm đặc trưng.
“Cú hích” từ chương trình 30a
Được hưởng sự hỗ trợ đắc lực từ Chương trình giảm nghèo 30a, bộ mặt nông thôn huyện Sơn Động những năm gần đây đã có những thay đổi tích cực. Quan trọng hơn cả, đa số người nghèo đã không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước.
Hơn 85 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển kinh tế (Ảnh: Internet) |
Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của Sơn Động được cụ thể hóa đã làm thay đổi cuộc sống của không ít hộ nghèo. Tổng vốn đầu tư và vốn sự nghiệp để thực hiện đề án trong 10 năm qua đạt gần 850 tỷ đồng, riêng năm 2019, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có kinh phí thực hiện gần 100 tỷ đồng. Hằng năm, các nội dung, danh mục công trình đầu tư được lựa chọn kỹ, đáp ứng nhu cầu bức thiết trong nhân dân, phát huy hiệu quả thiết thực. Đến nay, đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập gấp 2,5 lần khi bắt đầu thực hiện đề án, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm, vượt kế hoạch đề ra.
Đổi thay rõ nét nhất chính là hệ thống cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo vùng cao, miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển kinh tế. Trong khuôn khổ của Đề án, đã có hơn 85 tỷ đồng được bố trí để hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, chủ yếu là giúp đỡ về các giống lúa, ngô năng suất cao, cây ăn quả có giá trị, trồng rừng, xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa về trồng trọt, chăn nuôi. Đề án còn dành nguồn lực đáng kể cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tín dụng ưu đãi, đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, xã hội… Đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 28,29%, giảm 7,32% so năm 2018; cận nghèo 20,36%; toàn bộ hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách, người có công đã thoát nghèo.
Đại diện UBND huyện Sơn Động cho rằng, một trong những thành công trong công tác này là nhận thức về mục tiêu giảm nghèo bền vững, trách nhiệm, cách làm để đạt được kết quả của cán bộ, nhân dân có chuyển biến tích cực. Ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo, làm giàu đã hình thành vững chắc, được cụ thể hóa thông qua phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nhất là ở những lĩnh vực thế mạnh của huyện như lâm nghiệp, chăn nuôi.
Đáng chú ý, phong trào tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đã lan tỏa ở nhiều địa phương trong huyện, không ít gia đình dù khó khăn nhưng luôn nung nấu ý chí, quyết tâm thoát nghèo. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện, năm 2019, Sơn Động giảm 1.710 hộ nghèo, trong đó có hơn 600 hộ tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo.
Bà Vi Thị Tú, Trưởng Phòng Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Động cho biết, việc nhiều hộ nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn tự nguyện xin thoát nghèo cho thấy nhận thức của người dân đã thay đổi, chuyển biến tích cực. Thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, giờ đây người nghèo xác định tự lực thoát nghèo, ổn định cuộc sống và từng bước làm giàu cho bản thân, gia đình. Đây là làn gió mới trong công tác giảm nghèo ở vùng cao.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm nghèo, sử dụng nguồn vốn đầu tư để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng dần điều kiện sống của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung tuyên truyền, vận động, làm cho người nghèo tự ý thức, xác định quyết tâm vươn lên thoát nghèo”, bà Tú khẳng định.
Đức Nguyễn