Với mục tiêu tạo việc làm cho chị em phụ nữ vốn quen với nghề đan len xuất khẩu, năm 2015, 20 chị em từng làm việc tại các công ty may mặc trên địa bàn TP Bảo Lộc tập hợp nhau lại, thành lập HTX đan len Quý Anh với hoạt động chủ yếu là sản xuất, gia công các mặt hàng len, sợi.
Từ bàn tay chăm chỉ và vài chiếc máy dệt đơn giản, chị em cùng chia sẻ, nhận các mối hàng đan len từ lớn tới nhỏ. Cho tới hôm nay, HTX Quý Anh đã "thay da đổi thịt".
Không quên bảo vệ môi trường
Cùng với hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Từ khi thành lập đến nay, HTX luôn áp dụng hệ thống quản lý môi trường thông qua các giải pháp sản xuất sạch hơn, áp dụng các biện pháp khống chế bụi.
HTX đầu tư hệ thống điều hòa, phục vụ nhu cầu làm mát vào mùa hè tại khu vực sản xuất. Mặc dù hoạt động xen lẫn trong khu dân cư, nhưng nhà xưởng được thiết kế kín bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, HTX còn quan tâm đào tạo, tập huấn và tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, thành viên về bảo vệ môi trường. Hàng tuần, khi kết thúc ca làm việc, các thành viên và người lao động cùng nhau vệ sinh khu vực mình làm việc. HTX cũng thuê công nhân đảm nhiệm việc quét dọn thường xuyên, nên môi trường rất trong lành.
Người lao động làm việc tại HTX Quý Anh. |
Việc lên kế hoạch cụ thể và kết nối với các khách hàng khác nhau, nên nguồn nguyên liệu nhập vào luôn được tính toán kỹ lưỡng để có thể sản xuất đa dạng mặt hàng và tận dụng tối đa nguyên liệu. Nhờ đó, quá trình sản xuất hầu như không phát sinh chất thải. Nếu có, đều được liên kết với đơn vị thu gom rác của địa phương thực hiện theo quy định.
Chị Trần Thị Hồng, người lao động tại HTX cho biết, nếu như nhiều xưởng khác, người lao động phải làm việc trong điều kiện nóng bức, nhà xưởng bụi bặm thì tại HTX, nhà xưởng luôn bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ. Cảnh quan xung quanh khu vực sản xuất cũng được chăm sóc, dọn dẹp thường xuyên. Ngoài ra, nhiều trang thiết bị mới, hiện đại được đầu tư và cải tiến đã hạn chế được ô nhiễm bụi trong quá trình làm việc tại xưởng, nên ai cũng yên tâm làm việc.
Vững vàng trong sản xuất
Thực hiện theo đúng chủ trương phát triển sản xuất đi đôi với đảm bảo môi trường bền vững, HTX tạo dựng được niềm tin, thay đổi cách nhìn về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực đan len, sợi của chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân sống gần khu vực sản xuất. Bên cạnh đó còn góp phần quan trọng nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của HTX trên thị trường.
Theo Ban giám đốc, sản phẩm của HTX luôn bảo đảm chất lượng và được nhiều khách hàng tín nhiệm ký kết hợp đồng. Đối tác ngày càng nhiều, cả ở trong và ngoài nước.
Hàng hóa của HTX đi khắp nơi, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động. Năm 2019, HTX sản xuất ra 370.000 sản phẩm xuất đi các thị trường. Năm 2020, dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, HTX vẫn sản xuất được trên 300.000 sản phẩm, trong đó có tham gia xuất khẩu.
Khi thành lập, cơ sở sản xuất của HTX rất đơn sơ thì đến nay, tổng tài sản đã được nâng lên gồm 2 xe ô tô, 50 máy dệt linking các loại, 5 máy vắt sổ, 3 máy may công nghiệp... Tổng vốn hoạt động 5 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ 3 tỷ đồng. HTX đang giải quyết việc làm cho hơn 100 công nhân lao động tại TP Bảo Lộc và các huyện lân cận với mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng.
Thành viên HTX kiểm tra chất lượng sản phẩm. |
Bà Trần Thị Diện, Chủ tịch HĐQT HTX đan len Quý Anh chia sẻ, đan len, sợi ngày càng phát triển. Tuy nhiên nếu định hướng đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài thì phải chú trọng nhập nguồn vật liệu an toàn, thân thiện môi trường do thị trường này yêu cầu rất gắt gao về chất lượng. Chính vì vậy, HTX phải đưa sản phẩm đi kiểm định nhiều lần mới có thể đủ điều kiện giới thiệu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Dù mục đích là gì thì nghề đan len, sợi thủ công luôn đòi hỏi người làm đặt hết tâm huyết vào sản phẩm. Ngoài sự tỉ mỉ, người lao động cần trau dồi nâng cao kỹ năng cũng như sự sáng tạo để tạo ra sản phẩm không chỉ dùng được mà còn được khách hàng yêu thích. Chính vì vậy, HTX không ngừng kết hợp cùng các cấp ngành phát triển các lớp đào tạo nghề tại các huyện như Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Đức Trọng, Đà Lạt, Bảo Lộc… Từ đây, người lao động có thể nâng cao tay nghề và làm việc tại HTX với mức thu nhập ổn định. HTX cũng bảo đảm mạng lưới lao động để nhận các đơn hàng.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng, HTX đan len Quý Anh là mô hình kinh tế năng động, sáng tạo, nhạy bén trong tìm kiếm thị trường, đào tạo công nhân lao động. Từ sự nỗ lực của Ban giám đốc, HTX đã trở thành đơn vị làm ăn hiệu quả, là điểm sáng trong kinh tế hợp tác tại Lâm Đồng.
Huyền Trang