Tháng 1/2019, HTX Bưởi đỏ Đông Cao ra đời nhằm mục đích bảo tồn gen và duy trì giống cây bưởi đỏ, đồng thời phát triển kinh doanh thương mại cho các hộ dân. Hiện nay, HTX có 20 hộ trồng bưởi đỏ với khoảng 1000 cây, rải ở 4 khu hành chính, trong đó tập trung ở xóm 3 thôn Đông Cao.
Bưởi cổ gắn mã “căn cước”
Giống bưởi đỏ Đông Cao được coi là “báu vật” của làng bởi đây là món quà truyền đời của tổ tiên, đồng thời theo quan niệm dân gian, cây bưởi đỏ giúp người dân ăn nên làm ra, mang lại bình an và tài lộc. Còn theo khoa học, trong quả bưởi đỏ có hàm lượng chất lycopen, chất này sẽ gây phản ứng tế bào lạ giúp người dùng tăng cường đề kháng, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi.
Phần lớn vườn bưởi của HTX đã có khách đặt hàng. |
Quý hiếm là vậy, thế nhưng báu vật của làng đã có thời gian đứng trước nguy cơ thất truyền. Nguyên nhân chính là do thời điểm trước năm 2000, giống bưởi Diễn “soán ngôi” bưởi đỏ, bà con Đông Cao thi nhau ghép cải tạo, chặt bưởi đỏ trồng bưởi Diễn, bởi vậy, những cây giống bưởi đỏ thuần chủng không còn nhiều.
Đến năm 2015, khi nhận thấy những giá trị từ cây bưởi đỏ, người dân trong thôn đã kết hợp với trung tâm bảo tồn gen khôi phục lại cây giống bản địa và nhân rộng, tìm lại thời hoàng kim cho bưởi đỏ. Bưởi đỏ Đông Cao được công nhận là “cây di sản” được đánh mã số duy trì, nhân giống và tuyển chọn ra những cây đầu dòng.
3 năm sau, HTX bưởi đỏ Đông Cao cũng được ra đời nhằm duy trì giống đặc sản quý hiếm, đưa giống bưởi đỏ này đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. HTX phối hợp với Trung tâm tài nguyên thực vật trong việc sưu tầm, nhân giống và phát triển bưởi đỏ thành cây đặc sản của Đông Cao. 3 cây bưởi tổ được gắn mã số định danh, mỗi cây chỉ được lấy tối đa 500 mắt để chiết ghép.
Bưởi đỏ được ưa chuộng bởi màu sắc độc lạ, hương vị thơm ngon. |
Để có được những cây bưởi đỏ chất lượng, việc chăm sóc những cây bưởi giống từ khi còn nhỏ là rất quan trọng. Theo đó, trước khi trồng bưởi giống, người trồng phải xử lý kỹ đất trồng, luống phải đảm bảo độ cao tiêu chuẩn và đảm bảo khoảng cách trồng. Những cành bưởi đỏ sau khi được chiết từ cây bưởi tổ sẽ được ươm tạo khoảng 5 – 6 tháng, sau đó chuyển ra vườn. Sau quá trình chăm sóc khoảng 3 năm, cây bưởi đỏ sẽ bắt đầu cho thu hoạch lớp quả đầu tiên, trung bình mỗi cây cho ít nhất 150-200 quả.
Mỗi năm, hàng vạn quả bưởi xuất ra thị trường đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc, khách hàng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR, các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình trồng sẽ hiện chính xác, cụ thể.
Ở Đông Cao, gia đình nào cũng trồng vài cây bưởi đỏ, cả ngõ rợp đỏ bóng bưởi. |
Ông Đàm Văn Thìn, Phó Chủ tịch xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội cho biết bưởi đỏ đang được khôi phục và phát triển tại địa phương. Điều này không chỉ giúp đỡ các hộ trồng bưởi giữ được nguồn gen, mà còn đẩy cao thu nhập của người trồng bưởi, phát triển kinh tế địa phương. UBND xã luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện về các thủ tục pháp lý, pháp nhân đại diện cho HTX bưởi đỏ Đông Cao.
Nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn giống lâu đời, người dân tập trung vào việc cải tạo đất trồng, cải tiến kỹ thuật và giữ nguồn gen, nâng cao tính trội của bưởi đỏ. Từ khi thành lập, Hợp tác xã đã tổ chức những cuộc họp để trao đổi kỹ thuật, định hướng sản xuất giúp chất lượng và màu sắc của bưởi được cải thiện.
Đồng thời, HTX định hướng cho các hộ thành viên chuyển đổi mô hình canh tác thông thường sang trồng bưởi theo hướng hữu cơ. Người trồng sử dụng vôi bột, bón phân hữu cơ để giảm độ phèn cho đất, tưới nước sạch cho cây bưởi, thực hiện bao trái khi bắt đầu trưởng thành để đạt chất lượng và năng suất cao, kéo dài thời gian thu hoạch đến dịp Tết Nguyên đán.
Ông Lương Văn Phương, Giám đốc HTX chia sẻ về định hướng phát triển HTX. |
Vừa kết hợp sản xuất hoa màu, vừa trồng bưởi đỏ, kinh tế gia đình ông Võ Văn Yên, thành viên HTX cũng “đỏ” lên phần nào. Gia đình ông hiện đang trồng 15 cây bưởi đỏ trên diện tích 360m2, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 2.500-3.000 quả, cuối năm gia đình đút túi gần 100 triệu tiền lãi.
Theo ông Lương Văn Phương, Giám đốc HTX cho biết: “Năm nay thời tiết thất thường, bưởi bị mất mùa, sản lượng không cao bằng các năm trước. Dự kiến, sản lượng của cả HTX đạt 2,5-3 vạn quả (35- 40 tấn). Giá trị của bưởi đỏ trong dịp Tết vào khoảng 100-150 nghìn đồng/quả”.
Tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Mê Linh, bưởi đỏ của HTX được đánh giá là sản phẩm tiềm năng và đạt OCOP 4 sao. Hiện bưởi đỏ được nhân giống và tiêu thụ tại một số tỉnh như Yên Bái, Sơn La, Lạng Sơn và một số tỉnh phía Nam như Vĩnh Long, An Giang.
Tất cả cây bưởi, quả bưởi đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc. |
“Định hướng của hợp tác xã là từ năm 2020 - 2025 sẽ phát triển khu vực vùng Mê Linh lên tới 100ha để làm đề án tiêu thụ sản phẩm hướng tới xuất khẩu. Trong đó, chúng tôi hướng tới làm một số sản phẩm đặc sản của Đông Cao như nước ép, tinh dầu bưởi, mứt vỏ bưởi…”, ông Phương nói.
Theo đề án phát triển giống bưởi đỏ, đến năm 2023, huyện Mê Linh có tổng 100.000 cây, địa phương có vùng bưởi đặc thù và hướng tới nền nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái. Đồng thời, HTX cũng ấp ủ giấc mơ xuất khẩu giống bưởi đỏ với mẫu mã đặc thù và chất lượng cao sang thị trường Nhật Bản.
Xuân Mai