Hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Bộ NN&PTNT đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu vào cho các vùng sản xuất lúa có khả năng tưới tiêu chủ động, ưu tiên vùng trọng điểm sản xuất lúa.
Giảm phát thải trong trồng trọt
Những năm qua, trên địa bàn Thừa Thiên – Huế có nhiều mô hình trồng lúa nổi bật ứng dụng công nghệ mới để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, điển hình như HTX Hương An, phường Hương An, thị xã Hương Trà.
Các mô hình trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính đang được nhân rộng tại nhiều tỉnh thành. |
Gs.Ts. Trần Đăng Hòa, Giảng viên Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho biết tại các mô hình thí điểm, HTX Hương An đã áp dụng biện pháp tưới nước khô xen kẽ, tức chỉ tưới ngập ở giai đoạn cây con và trổ bông, để nước khô ruộng ở giai đoạn đẻ nhánh. Phương pháp này không làm ảnh hưởng đến năng suất lúa, nhưng giảm được lượng khí CH4, tiết kiệm nước tưới trên cùng một đơn vị diện tích.
Cụ thể, các kết quả thực nghiệm cho thấy, ứng dụng phương pháp tưới nước khô xen kẽ (AWD) giảm phát thải khí CH4 đến 26% so với phương pháp tưới ngập thường xuyên. Lợi nhuận thu được từ việc áp dụng biện pháp tưới nước khô xen kẽ đạt bình quân 6,3 – 7 triệu đồng/ha, cao hơn so với việc tưới nước ngập liên tục.
“Tại Huế, hầu hết diện tích trồng lúa trên địa bàn đều có sự tham gia quản lý của HTX nên việc nhân rộng mô hình quản lý giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nguồn nước tưới trên diện rộng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái là rất khả thi và cần thiết”, Gs. Hòa nhấn mạnh.
Cùng với Huế, Lâm Đồng cũng đang tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh thái, trong đó có nhiều HTX quan tâm đến giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác.
Như HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến (TP.Đà Lạt) là một điển hình. Chủ tịch HĐQT HTX Mai Văn Khẩn chia sẻ: “Lẽ ra Đà Lạt chính là cái hồ điều hòa của cả thành phố cũng như vùng ven, nhưng những năm qua, vì số lượng các khu nhà kính tăng lên quá nhanh khiến nền nhiệt có dấu hiệu tăng”.
Để hạn chế tình trạng này và góp phần bảo vệ môi trường, khi đầu tư xây dựng nhà kính, các thành viên HTX Tân Tiến đã nghiên cứu và quyết định xây dựng theo kiểu bán không gian - chỉ tập trung vào phần mái, còn xung quanh sẽ thiết kế mô tơ có thể cuốn màng kính ở hai bên hông cao lên hoặc bao bởi màng lưới, bảo đảm có thể trao đổi không khí bên trong và bên ngoài.
Thêm các giải pháp hỗ trợ
Do xây dựng nhà kính bán không gian giúp HTX không phải làm lỗ thông khí, trong khi nhiệt độ khu vực sản xuất không bị tăng cao theo thời gian. Rau màu được “hít thở” khí hậu mát mẻ trong lành vốn có của Đà Lạt sẽ mang đặc trưng, hương vị riêng và hạn chế nhiễm nấm trong quá trình trồng.
“Nhờ sản xuất khoa học, HTX Tân Tiến liên tục có bước phát triển vượt bậc thời gian qua. Hiện, HTX phát triển khu trồng rau, củ, quả công nghệ cao, thu hút hơn 20 hộ thành viên, trở thành điểm tựa nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định”, Chủ tịch HĐQT HTX Mai Văn Khẩn nói.
Cần thêm các nguồn lực hỗ trợ để tạo sức bật, nhân rộng các mô hình giảm phát thải khí nhà kính. |
Tương tự, tại Kiên Giang, việc áp dụng quy trình canh tác lúa giảm phát khí thải nhà kính đang giúp các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Kênh 7B (xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp) thay đổi tư duy sản xuất cũ, hình thành thói quen sử dụng phân bón tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng kỹ thuật cho ruộng đồng và bảo vệ môi trường…
Gần 10 năm nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Kênh 7B thực hiện sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải nhà kính. Ban đầu, mỗi thành viên chỉ thực hiện 1-3 sào thì nay toàn bộ thành viên đã mở rộng lên 526ha. Trung bình năng suất lúa của HTX đạt 8,5 tấn/ha, lợi nhuận 22 triệu đồng/ha, trong khi làm theo phương pháp cũ năng suất chỉ 8 tấn/ha, lợi nhuận 12 triệu đồng/ha.
Sau nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp, Gs.Ts. Trần Đăng Hòa nhận định nông nghiệp là ngành chịu tác động của biến đổi khí hậu và cũng là ngành gây ra phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính rất lớn, là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.
Nhìn thấy rõ tác hại của biến đổi khí hậu, tuy nhiên, một thực tế cần thừa nhận là đến nay các mô hình sản xuất nông nghiệp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trên địa bàn cả nước còn khá khiêm tốn, cần nhanh chóng có giải pháp nhân rộng.
Theo Gs. Trần Đăng Hòa, một trong những giải pháp quan trọng là các địa phương cần nâng cao vai trò HTX trong việc liên kết sản xuất lớn, ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là nhân rộng các mô hình giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn.
Đồng thời, trong thời gian tới, các bộ ngành quản lý cũng cần đẩy mạnh các nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy nhân rộng các mô hình điểm, tạo hiệu ứng lan tỏa tới các địa bàn trên cả nước. Chỉ khi cho người nông dân thấy được lợi ích toàn diện từ giá trị kinh tế đến bảo vệ môi trường, số lượng các mô hình nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính mới có thể tăng lên.
Nhật Minh