Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có gần 16.000 HTX và hơn 40.000 trang trại phát triển mô hình chăn nuôi, ứng dụng một phần hoặc toàn bộ quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP. Mỗi năm đưa ra thị trường hàng nghìn tấn sản phẩm sạch, phục vụ người tiêu dùng.
Giảm ô nhiễm, tăng kinh tế
Những năm qua, nhờ những chính sách thúc đẩy từ các ban ngành chức năng, cùng sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đang có bước phát triển mạnh mẽ.
Các HTX chăn nuôi ở Việt Nam đang nhanh chóng bắt nhịp xu hướng chăn nuôi theo hướng hữu cơ. |
Một trong số các điển hình tạo hiệu ứng tích cực nhất là HTX Chăn nuôi, sản xuất và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên, cơ sở chăn nuôi và cung cấp sản phẩm thịt lợn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Thành lập năm 2016, đến nay toàn bộ các khâu trong chuỗi sản xuất và kinh doanh thịt lợn của HTX đã chuẩn hóa theo chuỗi từ chăn nuôi – giết mổ - kinh doanh. Do vậy, các mối nguy mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường đều được kiểm soát và giải quyết hiệu quả.
Anh Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX, cho biết hiện tại, HTX đã xây dựng được chuỗi thịt lợn sinh học khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu tối đa lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Với quy mô 6.500 con lợn, mỗi tháng HTX cung cấp từ 12-15 tấn thịt lợn sạch và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sinh học. HTX đang liên kết chặt chẽ với các hội viên Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên, Hội Nông dân huyện và được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học.
Tương tự, ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên trong khoảng 5 năm trở lại đây, người dân bắt đầu tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, với số lượng trung bình 4.000 - 8.000 con gà/lứa, 1.000 - 2.000 con lợn/lứa.
Điển hình như trang trại chăn nuôi gà có quy mô hơn 6.000 con của anh Lê Minh Phương, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi xã Minh Lập. Anh Phương cho biết, gia đình phát triển mô hình từ năm 2013, năm 2020, anh đã đăng ký thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhờ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đàn vật nuôi của gia đình anh Phương phát triển ổn định, tỷ lệ sống đạt từ 95% trở lên, cao hơn 5-10% so với phương thức chăn nuôi thông thường.
Phát huy giá trị bền vững
Các HTX cũng đang phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển chăn nuôi hữu cơ ở huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Toàn huyện đang có tổng đàn gia súc hơn 1,6 triệu con, với 75 trang trại, 7 HTX chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung ở các xã Hợp Thành, Tú Thịnh, Đông Thọ...
Chăn nuôi hữu cơ mang lại giá trị bền vững cả về kinh tế và môi trường sinh thái. |
Anh Ma Văn Vĩ, thôn Tứ Thông là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào chăn nuôi xanh ở xã Hợp Thành. Năm 2014, sau khi tham gia HTX Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành, anh được tập huấn khoa học để phát triển mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ.
Với sự đồng hành của HTX, anh Vĩ đã mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm từ hơn 100 con/năm lên xấp xỉ 2.000 con/năm.
Hàng loạt các điểm sáng cho thấy, các HTX đang có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, thống kê cho thấy tỷ lệ sản phẩm hữu cơ trong tổng sản phẩm chăn nuôi toàn quốc vẫn còn rất thấp, chỉ chưa tới 10%.
Theo các chuyên gia, ở một quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi như Việt Nam, việc tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ còn rất thấp là điều cần phải nhanh chóng cải thiện trong thời gian tới.
Theo đó, để phát triển xứng đáng với tiềm năng, trong những năm tới, các cơ quan quản lý cần có chính sách để hỗ trợ, tổ chức sản xuất theo chuỗi và tập trung vào một số sản phẩm chủ lực để xuất khẩu tăng giá trị thặng dư như sữa, thịt gà, trứng và mật ong.
Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường xây dựng và quảng bá các thương hiệu sản phẩm chăn nuôi hữu cơ. Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm – gắn thương hiệu sản phẩm quốc gia, xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, từng sản phẩm để điều chỉnh, tập trung nguồn lực cho sản xuất, từng bước xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi hữu cơ.
Cùng với đó là củng cố hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gắn với thị trường trong nước theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất – chế biến – lưu thông – tiêu thụ sản phẩm hữu cơ thông qua hoạt động của các HTX, doanh nghiệp và Hiệp hội…
Nhật Minh