Bao đời nay, cây ngô, đỗ tương chỉ đủ ổn định cuộc sống cho hàng chục hộ dân ở xóm Lũng Pục vùng cao, hẻo lánh. Ngay cả khi công nghệ thông tin, mạng internet đến gõ cửa từng nhà, thấy rõ cách làm giàu từ sản xuất, chăn nuôi của thiên hạ, cũng không làm anh Của chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Vai trò của HTX
Nhưng khi cây chanh leo được HTX An Thịnh đưa vào trồng tại xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh, đã trở thành mô hình điểm cho hiệu quả kinh tế cao, thu hút anh Của quan tâm.
Theo các chuyên gia, mỗi ha chanh leo đầu tư khoảng 100 triệu đồng, năng suất đạt khoảng 80 - 100 tấn mỗi năm. Chanh leo là cây dễ trồng, công chăm sóc ít, chỉ cần tỉa cành, lá để quả nhận được ánh nắng mặt trời và tránh sâu bệnh.
Anh Dương Văn Tuấn - thành viên HTX An Thịnh, cho biết: Đầu năm 2017, anh được cùng lãnh đạo UBND huyện Trà Lĩnh tham quan mô hình trồng chanh leo tại huyện Mộc Châu (Sơn La) do công ty CP Nafoods Tây Bắc phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Sơn La triển khai.
Qua các buổi làm việc, công ty cử cán bộ đến khảo sát điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các xã: Lưu Ngọc, Cao Chương, Xuân Nội. Sau khi phân tích mẫu đất có độ pH phù hợp trồng cây chanh leo, với sự hỗ trợ của công ty CP Nafoods, lãnh đạo huyện Trà Lĩnh, nhóm cùng sở thích của xóm Lũng Cưởm đã họp và tiến hành các thủ tục thành lập HTX An Thịnh để trồng chanh leo, với 7 thành viên.
HTX đã vận động được 19/32 hộ dân xóm Lũng Cưởm góp 8 ha đất và được HTX thuê lại với giá 15 triệu đồng/ha/ năm. Đầu tháng 4/2017, huyện Trà Lĩnh ký hợp đồng cam kết với công ty Nafoods Tây Bắc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chanh leo. HTX An Thịnh có vai trò liên kết với công ty triển khai trồng thử nghiệm 8 ha giống chanh leo tím Đài Loan.
Công ty cam kết cung ứng giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Cây chanh leo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, phát triển tốt, sau 4 tháng trồng đã cho thu hoạch lứa quả đầu.
Ngay năm đầu tiên, 8 ha chanh leo của HTX đã thu hoạch được 40 tấn quả, tỷ lệ loại A đạt trên 70% và được công ty thu mua toàn bộ sản phẩm tùy theo phân loại quả với giá 4 - 22 nghìn đồng/kg.
Giàn chanh leo đã cho ra những trái đầu tiên của anh Lý Văn Của |
Cơ hội làm giàu
Nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, mỗi ha chanh leo từ năm thứ 2, thứ 3 sẽ cho thu hoạch 25 - 30 tấn quả/ năm. Với giá chanh leo theo thị trường hiện nay, bình quân mỗi ha chanh leo hàng năm sẽ cho thu nhập 250 - 300 triệu đồng.
Tận mắt chứng kiến điều đó, chàng thanh niên người H’Mông Lý Văn Của lao vào chăm sóc chanh leo không ngơi nghỉ. Sau lần tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do HTX An Thịnh tổ chức, đến nay, anh Của đã canh tác đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát được sâu bệnh hại, ứng dụng thành thạo các chu kỳ từ khi trồng đến khai thác.
Anh nắm rõ từng thời điểm phát triển sản xuất, nhất là vào thời kỳ chanh leo ra quả cần phải rút ngắn thời gian bón phân. Ở thời kỳ này, cứ cách khoảng 15 ngày anh lại bón NPK cho vườn chanh leo 1 lần.
Đối với phân trâu, bò, anh đem ủ cho hoai mục rồi bón 1 lần/tháng cho cả vườn. Khi thấy xuất hiện sâu bệnh, anh xử lý kịp thời để phòng trừ và sau 5 tháng trồng, vườn chanh leo của anh bắt đầu cho thu hoạch.
Hiện, anh Của có 1.600 cây chanh leo đang chờ ngày thu hái. Anh cho biết: “Không ít lần tôi chứng kiến nhiều mô hình cây ăn quả ở địa phương bị thất thu, do đầu ra chưa ổn định, dẫn đến được mùa mất giá”.
Lần này, thông qua HTX An Thịnh, xã Lưu Ngọc, công ty CP Nafoods Tây Bắc sẽ bao tiêu sản phẩm, cung ứng giống đảm bảo có chất lượng, khiến anh Của vững tin hơn.
Cuối năm 2017, công ty CP Nafoods Tây Bắc đã khởi công nhà máy chế biến tại huyện Mộc Châu (Sơn La) với công suất 120 tấn quả chanh leo mỗi ngày. Sau đó cây chanh leo không chỉ mở rộng diện tích ở Tây Bắc, mà được đón nhận như một cây mũi nhọn để thay thế dần cây ngô, cây lúa.
Theo anh Hoàng Văn Hoàn - Giám đốc HTX An Thịnh: Không chỉ riêng anh Lý Văn Của, nhiều người dân ở các xã Lưu Ngọc, Quang Vinh, Quang Hán đã chuyển đổi hàng chục ha đất trồng ngô sang trồng cây chanh leo, nâng tổng số toàn huyện lên 37 ha cây chanh leo.
Cách nhà anh Của vài trăm mét, từng giàn chanh leo sai trĩu quả tràn vào tận chân núi. Còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả kinh tế theo hướng phát triển bền vững, song ở nơi thung lũng xã Quang Vinh, chàng thanh niên dân tộc H’Mông đã mạnh dạn đầu tư trồng cây chanh leo sẽ là cơ hội làm giàu chính đáng.
Hà Xuyên