Sau hơn 2 năm phát triển, toàn xã Chiềng On hiện có 50 hộ phân bố trên địa bàn 5 bản đầu tư trồng chanh leo an toàn, trong đó, hộ ít trồng 40 - 50 gốc, hộ nhiều trồng 300 - 400 gốc. Tổng diện tích trồng chanh leo của thành viên THT và các hộ liên kết hiện đạt trên 15 ha.
4 nhà chung tay
Ông Vì Văn Nèn - Tổ trưởng THT, chia sẻ: “Ngay từ khi triển khai mô hình, THT đã chủ trương xây dựng liên kết “4 nhà” nhằm kết nối người nông dân, THT, DN và nhà khoa học. Trong đó, THT đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt sản xuất, kết nối người sản xuất và DN”.
Năm 2017, mô hình sản xuất chanh leo an toàn theo chuỗi hàng hóa được nhân rộng, trở thành bước ngoặt thay đổi hoàn toàn bộ mặt kinh tế, mở ra hướng phát triển bền vững cho hàng chục hộ nông dân trên địa bàn xã vùng biên Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Cách đây 3 năm, xã Chiềng On với hơn 60% dân số là người Xinh Mun còn vật lộn với đói nghèo, nay, hàng loạt các trang trại trồng chanh leo hình thành, hoạt động sản xuất được nâng tầm. Sự đổi thay trên đến từ mô hình liên kết giữa Tổ hợp tác (THT) trồng chanh leo Chiềng On và công ty CP Nafoods Tây Bắc.
Để phát huy vai trò tổ chức, THT cử cán bộ giám sát, hỗ trợ sản xuất tại từng thôn, bản. Đội ngũ cán bộ giám sát là các hộ trồng chanh leo có trình độ, kiến thức và uy tín cao, phụ trách liên lạc trực tiếp với Ban chủ nhiệm THT, bảo đảm quá trình sản xuất phát huy hiệu quả, an toàn cao.
Trong quá trình sản xuất, thành viên THT phải trải qua quá trình tập huấn kỹ càng về KH-KT, quy trình sản xuất an toàn. Quá trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được giám sát chặt chẽ, bảo đảm các tiêu chuẩn cao về vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động (ATLĐ) và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Sự tham gia của DN đòi hỏi thành viên THT và các hộ liên kết phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất an toàn giúp năng suất, chất lượng sản phẩm tăng, mang lại lợi ích kép cho người sản xuất về cả kinh tế và ATLĐ”, Tổ trưởng Vì Văn Nèn khẳng định.
Điển hình, về ATLĐ, thành viên THT được trang bị các kiến thức về vận hành, sử dụng máy móc an toàn, nâng cao khả năng ứng biến, xử lý các sự cố bất ngờ. Đội ngũ sản xuất cũng được trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật, đồ bảo hộ nhằm bảo đảm sức khỏe, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp.
Phân loại, đóng gói chanh leo tại Tổ hợp tác trồng chanh leo xã Chiềng On |
Hướng tới xuất khẩu
Hiệu quả trong liên kết “4 nhà” trở thành chìa khóa giúp THT tạo bước đột phá trong sản xuất, trở thành điểm tựa vững chắc cho các thành viên, hộ liên kết. Từ 8 ha trồng thử năm 2017, đến năm 2018, diện tích trồng chanh leo của THT đã tăng lên gấp đôi, với trên 15 ha.
Tổ trưởng Vì Văn Nèn cho hay: “Nhờ liên kết chặt chẽ với DN, thành viên THT và các hộ liên kết được hỗ trợ kỹ thuật từ “A đến Z”, hưởng dịch vụ trả chậm tiền giống, phân bón (không tính lãi), từ đó, gia tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời, nâng cao các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm”.
Bên cạnh đó, 100% sản phẩm chanh leo VietGAP của thành viên THT đang được bao tiêu với mức giá cao hơn thị trường 25 - 30%. Năm 2018, giá chanh leo của người dân Chiềng On được duy trì ổn định ở mức bình quân 25.000 - 27.000 đồng/kg (cao gấp rưỡi so với mức 15.000 đồng/kg năm 2017).
Theo tính toán của THT, với suất đầu tư bình quân 30 - 40 triệu đồng/ha/năm, cây chanh leo được chăm sóc đúng quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ cho doanh thu 300 - 350 triệu đồng/ ha/năm.
THT cũng đang có đội ngũ kỹ thuật phân loại lành nghề, đáp ứng quy trình đóng gói chanh leo theo yêu cầu của DN, nhờ đó, DN không còn mất công phân loại sau khi thu mua. Công đoạn này giúp THT được hưởng thêm công phân loại đóng gói, đồng thời, giá thu mua chanh leo cao hơn.
Để tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế, THT đang tích cực phối hợp với DN, chính quyền địa phương mở cánh cửa xuất khẩu cho chanh leo Chiềng On.
Hưng Nguyên