Người dân từ xóm Lũng Cưởm (xã Lưu Ngọc) đến xã Quang Vinh (Trà Lĩnh) có câu nói, thoát nghèo trông cậy vào cây ngô, đỗ tương, còn muốn làm giàu phải nhờ vào chanh leo.
Đã bao đời nay, cây ngô, đỗ tương chỉ đủ ổn định cuộc sống cho các hộ dân dọc vùng cao Trà Lĩnh. Còn muốn giúp người dân làm giàu, chính quyền địa phương đã xác định cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Cây trồng chủ lực
Đầu năm 2017, sau khi tham quan, học tập mô hình trồng chanh leo tại huyện Mộc Châu (Sơn La) do công ty CP Nafoods Tây Bắc phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Sơn La triển khai, huyện Trà Lĩnh đã xác định cây chanh leo sẽ là cây trồng chuyển đổi chủ lực.
Qua các buổi làm việc, công ty Nafoods Tây Bắc đã cử cán bộ đến khảo sát điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các xã Lưu Ngọc, Cao Chương, Xuân Nội. Kết quả phân tích mẫu đất tại các vùng này có độ pH phù hợp trồng cây chanh leo.
Từ đó, UBND huyện Trà Lĩnh đã vận động người dân xóm Lũng Cưởm thành lập HTX An Thịnh để trồng chanh leo, với 7 thành viên. Bên cạnh đó, HTX cũng đã vận động được 19/32 hộ dân xóm Lũng Cưởm góp 8 ha đất và được HTX thuê lại với giá 15 triệu đồng/ha/năm.
Sau khi thành lập, HTX được huyện Trà Lĩnh giao làm đầu mối liên kết với công ty Nafoods Tây Bắc triển khai trồng thử nghiệm 8 ha giống chanh leo tím Đài Loan. Công ty Nafoods Tây Bắc bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật và và bao tiêu sản phẩm cho HTX. Công ty cam kết cung ứng giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
HTX cũng được chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng như bể chứa nước, hệ thống tưới tiêu, chăm sóc cây trồng.
Nhờ khí hậu thổ nhưỡng thích hợp, cây chanh leo phát triển tốt, sau 4 tháng trồng đã cho thu hoạch lứa quả đầu. Thời vụ thu hoạch kéo dài trong khoảng 2 tháng, sau 3 năm mới phải trồng lại.
Riêng trong năm 2017, 8 ha chanh leo đã thu hoạch được 40 tấn quả, tỷ lệ loại A đạt trên 70% và được công ty Nafoods Tây Bắc thu mua toàn bộ sản phẩm tùy theo phân loại quả từ 4 - 22 nghìn đồng/kg.
Thành viên HTX dần tiếp cận được với cách sản xuất nông nghiệp hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế |
Liên kết tạo hiệu ứng
Đến nay, HTX có khoảng 11 ha trồng cây chanh leo. Với việc chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây chanh leo cho năng suất đạt khoảng 25 - 30 tấn quả/ha/năm.
Với giá thị trường thu mua hiện nay khoảng 10 - 20 nghìn đồng/kg, 11 ha chanh leo của HTX cho thu nhập 250 đến hơn 300 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX.
Đặc biệt, sản phẩm chanh leo của HTX An Thịnh đã có một lô hàng được xuất khẩu sang Pháp, khẳng định chanh leo của HTX đáp ứng đủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu.
Hơn nữa, có mặt tại thị trường Pháp, chứng tỏ chanh leo phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, đồng thời kỹ thuật canh tác của thành viên HTX cũng dần tiếp cận được với cách sản xuất nông nghiệp hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Hiệu quả từ mô hình chanh leo ở Lưu Ngọc, huyện đã tuyên truyền cho người dân các xã đến tham quan học tập để người dân tự đăng ký với HTX tham gia liên kết sản xuất, mở rộng diện tích chanh leo ra các xã khác.
Anh Lý Văn Của (xóm Lũng Pục, xã Quang Vinh, huyện Trà Lĩnh) sau khi chứng kiến thành công của HTX An Thịnh đã mạnh dạn vay 80 triệu đồng để làm giàn, lắp đặt hệ thống tưới tiêu, cải tạo đất.
Đồng thời, anh Của cũng tham gia lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do HTX An Thịnh tổ chức để nắm vững quy trình kỹ thuật, kiểm soát được sâu bệnh hại, ứng dụng thành thạo các chu kỳ từ khi trồng đến khai thác.
Ngoài ra, sản phẩm của anh Của cũng được công ty CP Nafoods Tây Bắc bao mua thông qua HTX An Thịnh, nên anh Của càng yên tâm hơn.
Anh Hoàng Văn Hoàn - Giám đốc HTX An Thịnh, khẳng định: “Không chỉ riêng anh Lý Văn Của, nhiều người dân ở các xã Lưu Ngọc, Quang Vinh, Quang Hán đã chuyển đổi hàng chục ha đất trồng ngô sang trồng cây chanh leo, nâng tổng số toàn huyện lên 37 ha cây chanh leo.
Tuy nhiên, HTX vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là tiếp cận vốn. “Cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, giai đoạn mới bắt đầu khởi nghiệp cần có vốn để mở rộng sản xuất, trong khi tiềm lực hạn hẹp nên rất khó để bảo đảm các điều kiện để tiếp cận với chính sách hỗ trợ”, anh Hoàn cho biết.
Hồng Nhung