Sáng 9/10, tại buổi triển khai thực hiện Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông thủy sản trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, sắp tới đây các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh sẽ áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và truy xuất nguồn gốc.
Điều này nhằm tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm nông, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm với mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nhằm đảm bảo nguồn cung và đầu ra cho thực phẩm sạch.
Hậu Giang sẽ áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nông thủy sản (Ảnh Internet) |
“Từ trước tới nay, Hậu Giang chưa từng thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp. Nên từ tháng 11/2019 ngành công thương sẽ triển khai ra các doanh nghiệp việc truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đầu tiên là mặt hàng cá Thát Lát. Tiếp theo là các sản phẩm như khóm Cầu Đúc, bưởi Năm Roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị, chanh không hạt, cam sành Ngã Bảy,…”, ông Nguyễn Vũ Trường cho hay.
Theo ông Nguyễn Vũ Trường, trong 2 năm đầu thực hiện đề án, các doanh nghiệp sẽ được tỉnh hỗ trợ 50% chi phí mua tem dán trên sản phẩm. Điều kiện để được tham gia là các doanh nghiệp, chủ cơ sở, hợp tác xã, cá nhân tham gia đề án trên cơ sở tự nguyện và phải được sự chấp thuận của Sở Công Thương.
Các đơn vị tham gia sẽ được chuyên viên Sở Công Thương cập nhật vào hệ thống thông tin ở giai đoạn đăng ký tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc. Các thông tin của đơn vị được cập nhật là tên doanh nghiệp; giấy phép kinh doanh, ngày cấp giấy phép kinh doanh; thông tin liên hệ; thông tin người đại diện theo pháp luật; thông tin người quản lý trang trại, cơ sở sản xuất; thông tin trang trại như tên trang trại, loại hình, tổng diện tích, quy mô sản xuất, tiêu chuẩn đã đạt.
Các đơn vị của tỉnh đăng ký truy xuất nguồn gốc của sản phẩm bằng cách thực hiện định danh cho sản phẩm. Tùy thuộc vào đặc tính từng sản phẩm mà các đơn vị có thể lựa chọn 1 trong 3 hình thức là định danh bằng QR Code (Quick response code), định danh bằng chip RFID (Radio Frequency Identification) và định danh bằng chip NFC (Near –Field Communications). Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế triển khai tại Hậu Giang, tỉnh sử dụng một giải pháp duy nhất là định danh bằng QR Code.
Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được thực hiện từ nay đến năm 2025, nhằm nâng cao hiệu quả trong về quản lý Nhà nước đối với các sản phẩm nông thủy sản của tỉnh. Cũng như hỗ trợ các đơn vị chức năng dễ dàng hơn trong việc quản lý nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra, hướng đến sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Vũ Trọng