Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã thu được những kết quả tích cực, góp phần to lớn trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tổ chức sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với bảo quản chế biến, dịch vụ nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, thủy sản giúp nhà quản lý giám sát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, giúp sản xuất nông nghiệp, thủy sản tham gia thị trường trong và ngoài nước một cách chuyên nghiệp; đặc biệt, giúp người tiêu dùng (NTD) biết rõ những thông tin cơ bản của sản phẩm như xuất xứ, giá sản phẩm, địa điểm bán hàng, thể hiện tính minh bạch của sản phẩm...
Lợi cả “4 nhà”
Tại Hải Phòng có trên 500 sản phẩm từ nông nghiệp, thủy sản. Năm 2016, Sở NN&PTNT TP thí điểm xây dựng truy xuất cho 10 sản phẩm. Năm 2017, xây dựng truy xuất cho 41 sản phẩm (trồng trọt 31 sản phẩm, chăn nuôi 5 sản phẩm, thủy sản 5 sản phẩm).
Nhiều HTX đã tiên phong tham gia vào việc truy xuất nguồn gốc nông sản, thủy sản, tiêu biểu như: HTX Sản xuất kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Hợp Thành; HTX Nông nghiệp và Xây dựng An Hòa; HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng; HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Tiên; HTX Sản xuất kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Tân Trào, HTX Nông nghiệp Toàn Thắng, HTX Dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn…
Ông Nguyễn Văn Ngọc - HTX Nông nghiệp Đại Thắng, chia sẻ: Tham gia vào chương trình truy xuất nguồn gốc nông sản, “4 nhà” cùng được lợi (nhà sản xuất, nhà quản lý, nhà kinh doanh - DN, NTD). HTX được hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng KHCN tiên tiến, quy trình chặt chẽ như VietGAP vào sản xuất, thu hút đầu tư, tạo mối liên hệ gắn kết chặt chẽ giữa DN, HTX và nông dân; được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu...
Đặc biệt, chương trình thực hiện hỗ trợ NTD quản lý thông tin sản phẩm thông qua nhiều kênh như phần mềm truy cập thông tin trên mạng, gọi điện tới tổng đài, kiểm tra qua tin nhắn, quét mã vạch...
Trong năm 2017, các sản phẩm được hỗ trợ logo, tem truy xuất, bao bì phù hợp, chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất an toàn; GAP, GAHP sản lượng tại Hải Phòng như sau: Trồng trọt có 1.699 tấn các loại; chăn nuôi có 7.950.000 quả trứng gia cầm; 380 tấn thịt gà, thịt lợn; thủy sản có: 31 tấn (cá vược, tôm thẻ chân trắng), 1.150.000 lít nước mắm.
Tuy nhiên, việc thiết lập, quản lý điều hành hệ thống dữ liệu, xử lý thông tin truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản Hải Phòng còn mới mẻ cả về cách quản trị hệ thống, phương pháp tổ chức thực hiện của các DN, HTX, các hộ vệ tinh, hộ nông dân... Do đó, đòi hỏi cần tiếp tục có sự hỗ trợ của chính quyền, các ngành chức năng tư vấn cho DN, HTX, hộ nông dân... để tiếp tục duy trì, mở rộng trong những năm tới.
Ông Vũ Đức Thuận, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Vĩnh Tiên, cho biết: Đối với hộ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhỏ lẻ, khi tham gia hộ vệ tinh sản xuất cho DN, HTX rất khó trong khâu quản lý quy trình an toàn. Nếu không có hỗ trợ của Nhà nước về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quản lý, giám sát quy trình kỹ thuật an toàn... thì nông dân sẽ không hoàn toàn áp dụng, tuân thủ kỷ luật sản xuất theo quy trình.
Lãnh đạo các sở ngành Hải Phòng đang dùng điện thoại để truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Cần hỗ trợ kịp thời
Bản thân NTD còn chưa thực sự quan tâm tìm hiểu tới những sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Trình độ cán bộ quản lý HTX, DN, nông dân còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, chưa làm chủ công nghệ thông tin hiện đại... nên cần có thêm những lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức.
Năng lực kết nối tiêu thụ, tìm kiếm thị trường của một số cơ sở sản xuất, HTX còn hạn chế. Vì vậy, sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATTP bán giá không cao hơn sản phẩm ngoài sản xuất đại trà (không theo tiêu chuẩn).
Áp dụng hệ thống truy xuất tại DN, HTX trước mắt sẽ phát sinh thêm chi phí. Nếu sản phẩm không bán giá cao hơn sẽ không khuyến khích sản xuất theo quy trình ATTP gắn với truy xuất nguồn gốc…
Để khắc phục tình trạng này, UBND TP Hải Phòng cần sớm ban hành danh mục sản phẩm chủ lực của thành phố, sản phẩm lợi thế cạnh tranh, đặc sản của địa phương (mỗi làng xã một sản phẩm - OCOP). Đồng thời, tiếp tục duy trì các DN, HTX, chủ trang trại đã được tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc năm 2016, 2017, phát triển mở rộng các sản phẩm của DN đạt tiêu chuẩn gắn với truy xuất nguồn gốc. Tổ chức hội thảo, xúc tiến quảng bá các sản phẩm nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm...
“UBND TP cần có cơ chế chính sách, tăng cường công tác quản lý của các sở ngành liên quan. Đồng thời, quản lý chặt chẽ điều kiện vùng nuôi, các yếu tố đầu vào; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho các vùng nuôi tập trung; tổ chức tập huấn chuyên sâu, đào tạo cho các chủ DN, giám đốc, ban quản trị HTX về truy xuất nguồn gốc sản phẩm; từng bước xây dựng cơ chế, chính sách quản lý để các sản phẩm không có nguồn gốc không được lưu thông trên thị trường...”, ông Phạm Văn Lập, Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng, đề xuất.
Thanh Vân