Sản xuất bài bản
HTX Ngọc Hoàng sản xuất các loại cây ăn quả như nhãn, thanh long, xoài, bưởi... Ngay khi thành lập, HTX đã xây dựng các quy chế và yêu cầu tất cả các thành viên chăm sóc cây ăn quả đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có sổ tay ghi chép quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Để tạo nền tảng phát triển vững vàng, HTX thuê 5 cán bộ kỹ thuật trình độ tiến sỹ, thạc sỹ và kỹ sư lĩnh vực nông nghiệp hướng dẫn các thành viên giúp họ nâng cao kiến thức, kỹ thuật trong sản xuất, chăm sóc, bảo quản sản phẩm nông sản.
Với cách làm bài bản, khoa học, tuân thủ chặt chẽ các quy trình, lại được Chi cục Quản lý nông - lâm - thủy sản tỉnh hỗ trợ, sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX đã được Trung tâm Chất lượng nông - lâm - thủy sản vùng 1 đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP.
Các sản phẩm quả của HTX nói chung và quả thanh long ruột đỏ nói riêng của HTX rất được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Theo đó, quy mô sản xuất tăng dần qua các năm, tính đến 2018, số thành viên HTX đã tăng gấp đôi, diện tích cây ăn quả tăng lên 175 ha, trong đó 70 ha thanh long (40 ha trồng mới) và 105 ha xoài, nhãn, bưởi...
Năm 2018, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 8 triệu đồng/người/tháng; lương bình quân 5 cán bộ nghiệp vụ 5 triệu đồng/người/tháng.
Thanh long ruột đỏ được HTX trồng theo hướng an toàn |
Chia sẻ chiến lược sản xuất kinh doanh của HTX trong thời gian tới, ông Vinh cho hay HTX đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây thanh long trên địa bàn huyện và các huyện lân cận; liên kết với Viện Rau quả Trung ương thực hiện dự án 15 ha cây ăn quả sản xuất theo phương pháp hữu cơ, gồm 5 ha thanh long ruột đỏ, 5 ha nhãn, 5 ha xoài. Ngoài ra, chủ trương mở rộng thêm 150 ha trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Thuận Châu, 50 ha trên địa bàn các huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn.
HTX cũng đang liên kết với doanh nghiệp chế biến lắp đặt khu sơ chế, chế biến và kho bảo quản sản phẩm. HTX cũng đang kết nạp thêm thành viên để đưa tổng diện tích đất sản xuất lên 300 đến 500 ha thanh long ruột đỏ và 100 ha cây ăn quả khác. Tất cả các sản phẩm đều sản xuất theo quy trình VietGAP và được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm có dán tem, nhãn bao bì nhận diện sản phẩm...
Phát triển bền vững
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, ưu tiên sử dụng phân, thuốc hữu cơ, sinh học là những việc làm đang diễn ra tại HTX. Việc này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường. Sản xuất an toàn cũng là cách khẳng định chất lượng sản phẩm cũng như giá trị của nền nông nghiệp sạch.
Để áp dụng được quy trình sản xuất a toàn và hướng tới sản xuất hữu cơ, các bước sản xuất diễn ra theo hình thức cầm tay chỉ việc. Các nhà khoa học HTX thuê về đã hướng dẫn thành viên cách sản xuất phân hữu cơ đến cách sử dụng sao cho hiệu quả.
Theo các thành viên HTX, trước đây, khi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật khác vừa đắt tiền và bệnh trên các loại cây ăn quả hay bị tái phát, có loại một tuần đã tái phát. Nhưng khi sử dụng phân hữu cơ, chú trọng phòng bệnh bằng các loại thuốc an toàn thì cây sạch bệnh mà không thấy dấu hiệu tái bệnh.
Đặc biệt áp dụng quy trình sản xuất VietGAP giúp người dân tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, lại không ảnh hưởng đến người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng nên rất thân thiện với môi trường. Hiện các tổ sản xuất bưởi, xoài, thanh long, nhãn đều đang tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm để chủ động cung cấp trái cây sạch cho thị trường.
Có thể thấy sản xuất không ảnh hưởng xấu tới hệ thiên địch trên vườn, góp phần bảo vệ môi trường mới là sản xuất bền vững. Canh tác khoa học giúp người dân ý thức về khái niệm canh tác nông nghiệp bền vững, thay đổi tư duy sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch mang tính cạnh tranh cao.
Như Yến