Nông nghiệp Kon Rẫy đang chuyển biến nhờ liên kết sản xuất an toàn |
Hiệu quả từ liên kết
Chủ trương phát triển nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với liên kết chuỗi giá trị, nâng tầm thương hiệu nông sản được huyện Kon Rẫy đẩy mạnh thực hiện từ đầu năm 2019. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết sản xuất cho hiệu quả khả quan.
Điển hình như mô hình liên kết sản xuất nông sản hữu cơ giữa các hộ nông dân trên địa bàn huyện và công ty TNHH Biophap, xây dựng hàng loạt mô hình trồng cây ăn quả, gừng, nghệ, tiêu, bơ, mãng cầu, dược liệu…
Triển khai hơn 1,5 ha trồng cam cara, anh Lê Văn Lập (huyện Kon Rẫy) chia sẻ liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hữu cơ có nhiều cái lợi nhưng đòi hỏi tuân thủ những quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đặc biệt về các vấn đề an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh thực phẩm và môi trường.
“Trong quá trình sản xuất, tôi phải nắm vững quy trình sản xuất an toàn, nói không với các loại hóa chất độc hại. Nguồn nước, nguồn đất, quy trình chăm sóc luôn phải đảm bảo quy chuẩn để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường”, anh Lập nhấn mạnh.
Mô hình liên kết trồng khoai mỳ (sắn) giữa nông dân và công ty Fococev Tây Nguyên cũng đang phát huy hiệu quả. Mô hình đang được triển khai trên tổng diện tích hơn 150 ha, trong đó có 100 ha tại xã Đăk Ruồng, hơn 50 ha tại xã Đăk Tờ Re.
Đại diện phía doanh nghiệp cho biết để đáp ứng sản xuất trên cánh đồng lớn, doanh nghiệp đã phối hợp với địa phương để hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa. Để đảm đảm hiệu quả, an toàn, các hộ dân được tập huấn kỹ lưỡng kỹ thuật sử dụng máy móc, ứng dụng kỹ thuật, kiến thức về ATLĐ.
Các mô hình liên kết doanh nghiệp, HTX, nông dân đang mở ra hướng đi bền vững |
Hướng đi bền vững
Mô hình liên kết sản xuất dược liệu an toàn giữa HTX Nông sản và Dược liệu sạch Kon Tum và công ty KoRa Group cũng đang mang lại lợi ích kép cho thành viên, nông dân liên kết về kinh tế và ATLĐ.
Không chỉ trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi của huyện cũng đang hình thành nhiều chuỗi liên kết hiệu quả. Điển hình phải kể đến mô hình liên nuôi cá lồng giữa HTX dịch vụ nông nghiệp xanh Kon Bo Del và Trung tâm cá giống và thức ăn thủy sản Tá Tiến.
Với sự đồng hành của doanh nghiệp, HTX đang triển khai 6 lồng cá, tổng số lượng hơn 33.000 con cá các loại. Tất cả các lồng cá của HTX đều được chăm sóc theo quy trình công nghệ cao, đảm bảo tuyệt đối các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm và môi trường.
Đơn cử, trong quá trình sử dụng máy móc, thiết bị, nạo vét, xử lý chất thải…, các thành viên HTX đều được trang bị đồ bảo hộ, nắm vững kỹ thuật, qua đó đảm bảo ATLĐ, bảo vệ sức khỏe.
Ông Võ Văn Lương – Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, khẳng định các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp an toàn giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân trên địa bàn đang mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng.
“Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện các mô hình đang có, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX tham gia xây dựng các mô hình mới. Các mô hình sẽ được đầu tư theo hướng hiện đại, công nghệ cao, chú trọng ATLĐ, môi trường, vệ sinh thực phẩm… để đảm bảo giá trị bền vững”, ông Lương nhấn mạnh.
Hạ Vi