Hầu hết các vị trí nghiên cứu tại Hà Nội (ngoại trừ khu vực hồ Hoàn Kiếm) đã bị ô nhiễm bởi bụi TSP, PM10, Benzen. Một số vị trí khác có dấu hiệu ô nhiễm bởi NO2 và CO.
Ô nhiễm do giao thông
Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường Việt Nam, tại nhiều nút giao thông như Kim Liên - Giải Phóng, Phùng Hưng (Hà Đông), Nguyễn Xiển, những khu vực đông dân cư, nồng độ bụi thường cao hơn 5 - 7 lần mức cho phép. Các khí ô nhiễm khác như CO, SO2 dưới tiêu chuẩn, nhưng đang có xu hướng tăng lên.
Qua một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy trên địa bàn Hà Nội có đến 72% hộ gia đình mắc bệnh do ô nhiễm không khí (liên quan đến hô hấp), trong đó, quận Hoàng Mai chiếm tỷ lệ cao nhất với 91,4%; thấp nhất là quận Tây Hồ với 55%.
Đây có lẽ là kết quả không khó hiểu, khi hiện nay lượng phương tiện tham gia giao thông tại Hà Nội đang tăng lên chóng mặt. Hoạt động giao thông tại Hà Nội chiếm tới 85% lượng khí thải CO và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCS).
Cơ sở hạ tầng giao thông đô thị xuống cấp cũng làm phát thải bụi mạnh. Bên cạnh ô nhiễm không khí từ giao thông đang là một trong những tác nhân lớn nhất ảnh hưởng đến không khí đô thị, các nguồn khí thải khác như hoạt động sản xuất, hoạt động xây dựng và hoạt động dân sinh chiếm một tỷ lệ tương đối về khí thải gây ô nhiễm không khí đô thị.
Chưa kể một loạt các công trình xây dựng, các hạng mục chung cư, cao tầng, cầu vượt được thi công rất nhiều trong địa bàn thành phố và dự án đốn hạ 6.700 cây xanh trên khắp các tuyến phố Hà Nội trong thời gian qua ít nhiều cũng đã cho thấy những hậu quả nhãn tiền khi chặt bỏ những lá phổi xanh của thành phố dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng.
Và, làm thế nào để cải thiện tình trạng này, cân bằng giữa phát triển kinh tế, đô thị hóa song hành với một môi trường xanh chắc chắn vẫn là một câu hỏi khó khiến các nhà quản lý phải đau đầu để đưa ra lời giải.
Thời gian qua, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn nạn giao thông, song vấn nạn ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí chưa được quan tâm đúng mức. Và, chiếc khẩu trang từ lâu đã là vật bất ly thân của mỗi người khi bước ra đường.
![]() |
Khẩu trang là vật bất ly thân của mỗi người khi bước ra đường
Hạn chế “nguồn” gây ô nhiễm
Bên cạnh ô nhiễm không khí từ giao thông, các nguồn khí thải khác như hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động xây dựng và hoạt động dân sinh chiếm một tỷ lệ tương đối về khí thải gây ô nhiễm không khí đô thị.
Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn ở Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng.
Hàng năm, Chính phủ và thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho việc phát triển hệ thống giao thông để giải quyết bài toán hạ tầng giao thông, song chi cho bảo vệ môi trường thì vẫn chưa tương xứng.
Các chuyên gia cho rằng cần gấp rút hạn chế tốc độ gia tăng dân số cơ học, đồng thời cần ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường thật nghiêm, không để tình trạng các công trình xây dựng, giao thông bụi mờ mịt như hiện nay.
Thay thế hệ thống xe buýt vốn quá lạc hậu như hiện tại bằng hệ thống xe chạy điện như trước đây, song hành với đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống tàu điện trên cao, tàu điện ngầm...
Cùng với đó là tăng diện tích mặt nước và cây xanh, theo các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ, hấp thụ hơi, bụi độc.
Trần Minh