Gần 10 năm nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Kênh 7B thực hiện sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải nhà kính. Ban đầu, mỗi thành viên chỉ thực hiện 1-3 sào thì nay toàn bộ thành viên đã mở rộng lên 526ha.
Trồng lúa “1P6G” giúp giảm chi phí đầu tư
Trong quá sản xuất, các thành viên đều thực hiện quy trình "1 phải, 6 giảm-1P6G" (phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng hạt giống, giảm phân đạm bón thừa, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm nước tưới, giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm phát khí thải nhà kính).
Một trong những ưu điểm mà bà con tâm đắc nhất là kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ. Theo tập quán, nông dân bơm nước vào ruộng từ 5 – 10 cm thì áp dụng mô hình mới chỉ cần bơm ở mức 3 cm. Sau 3 ngày, nước được xả bỏ, chờ mặt ruộng khô mới tiếp tục bơm nước trở lại như cũ. Kỹ thuật này giúp cây lúa cứng cáp, không bị đổ ngã, đồng thời tiết kiệm được lượng nước khá lớn (khoảng 7.000m3/ha). Đây cũng chính là cơ sở để giảm lượng phát thải khí nhà kính, hạn chế cỏ dại.
Ngoài ra, kỹ thuật sạ thưa giúp giảm được 30% lượng lúa giống. Mật độ thưa cây lúa quang hợp tốt, giúp giảm sâu bệnh nên giảm số lần phun cũng như lượng thuốc cần phun, phân bón cũng giảm.
Quy trình “1 phải 6 giảm” giúp các thành viên giảm được khoảng 1/3 chi phí đầu tư so với sản xuất truyền thống. Trước đây, mỗi công ruộng chi phí đầu tư khoảng 1,6 - 1,8 triệu đồng/vụ, giờ giảm chỉ còn khoảng 1 - 1,2 triệu đồng. Trong khi năng suất bảo đảm bằng hoặc cao hơn so với sản xuất truyền thống.
Ruộng được san phẳng trước khi sạ lúa. |
Trung bình năng suất lúa của HTX đạt 8,5 tấn/ha, lợi nhuận 22 triệu đồng/ha, trong khi làm theo phương pháp cũ năng suất chỉ 8 tấn/ha, lợi nhuận chỉ đạt 12 triệu đồng/ha. Các thành viên làm theo quy trình này đều rất phấn khởi vì vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Vì vậy, ai cũng phấn khởi, mạnh dạn áp dụng quy trình này.
Tuy nhiên, muốn áp dụng tốt quy trình này, các thành viên phải đầu tư san phẳng mặt bằng đồng ruộng. Vì nếu mặt bằng không tốt sẽ gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề điều tiết nước, bón phân, khó áp dụng sạ thưa do dễ bị mất giống.
Bỏ "đốt đồng"
Không chỉ bảo vệ môi trường trong quá trình canh tác, quy trình “1 phải, 6 giảm” còn giải quyết vấn đề đốt rơm rạ sau mỗi mùa vụ, tránh gây ô nhiễm khói bụi. Thay vào đó, các thành viên dùng các chế phẩm sinh học giúp rơm rạ nhanh phân hủy, tạo thêm chất hữu cơ cho đất, trả lại cho đồng ruộng.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi và trồng nấm tăng cao nên HTX đầu tư máy cuốn rơm để bán rơm. Với công suất hoạt động trung bình 80 - 100 cuộn rơm/giờ, mỗi ca máy (8 giờ) có thể cuốn được 3,5 - 4ha.
Máy có thể cuốn được rơm khô và rơm ướt, nên hoạt động tốt ở các vụ trong năm. Cơ chế vận hành máy khá đơn giản, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Sau khi cuộn rơm đạt tiêu chuẩn kích thước và trọng lượng sẽ được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động.
Đầu tư máy cuộn rơm giúp hạn chế tình trạng "đốt đồng". |
Trọng lượng 1 cuộn rơm khoảng 10 - 15kg (trung bình 12kg/cuộn). Rơm cuộn được bán với giá bình quân 25.000 - 30.000 đồng/cuộn. Ngoài ra, HTX còn làm dịch vụ cuốn rơm cho nông dân có nhu cầu với giá 8.000 đồng/cuộn.
Trước đây, việc đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng làm phá vỡ vi sinh vật có lợi, chất dinh dưỡng, làm đất đai ngày càng thoái hoá, mất cân bằng hệ sinh thái. Thì nay, việc HTX đầu tư máy cuốn rơm giúp giảm ô nhiễm môi trường sau thu hoạch và giảm phát khí thải nhà kính. Đây cũng là biện pháp mang lại lợi ích kép vì còn giúp tăng nguồn thu cho HTX, thành viên.
Có thể thấy, canh tác lúa giảm phát khí thải nhà kính triển khai tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Kênh 7B đã mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế - xã hội và môi trường, đặc biệt là năng suất và lợi nhuận đều tăng. Chính vì vậy, HTX đang cùng địa phương tích cực vận động người dân áp dụng quy trình sản xuất bền vững này đi đôi với liên kết mở rộng đầu ra theo chuỗi giá trị.
Như Yến