Được thành lập từ năm 2014, HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm thu hút được 29 thành viên, sản xuất trên diện tích 70ha và đều có đầu ra ổn định.
Sản xuất thân thiện môi trường
Có được kết quả như vậy là nhờ HTX đẩy mạnh đầu tư sản xuất theo hướng VietGAP. Tất cả các bước sản xuất đều phải tuân thủ theo những nguyên tắc nghiêm ngặt như: bón phân theo quy tắc “4 đúng”, ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng phân hữu cơ, ghi nhật ký...
Trước đây, khi vào mùa sản xuất, chị Nguyễn Thị Lành, thành viên HTX phải “chạy đôn chạy đáo” để tìm kiếm các loại phân bón cấp dinh dưỡng cho cây cam. Bởi lẽ, trong điều kiện môi trường sản xuất ngày càng khó khăn, cạnh tranh thị trường cao, nếu để tự nhiên, cam sẽ bị rụng, bị sâu bệnh tấn công dẫn đến giảm năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, từ khi tham gia HTX và áp dụng quy trình VietGAP, chị đã được hỗ trợ phân bón hữu cơ và các loại thuốc sinh học, nên cây cam có sự chuyển biến rõ rệt. Vào đợt nắng nóng cực điểm lên đến trên 43 độ C, cây vẫn chịu hạn tốt vẫn giữ được màu xanh bóng, lá to. Nhờ vậy, cây đậu quả rất tốt, cứng cuống. Ngoài ra, những cây già cỗi trên 15 năm cũng được “trẻ hóa” và đậu quả đều trở lại.
Thành viên HTX đã nắm bắt được các kỹ thuật sản xuất cam an toàn đi đôi với bảo vệ môi trường. |
Để có những quả cam với lớp thịt dày, tép mọng nước và có vị ngọt thanh đặc trưng riêng của chất đất Khe Mây, các thành viên phải tuân thủ quy trình sản xuất sạch. Trong đó, người trồng cam bón phân theo từng giai đoạn sinh trưởng, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân, thuốc hóa học.
Theo Bam giám đốc HTX, ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP là con đường tất yếu của sản xuất nông nghiệp 4.0. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường sản xuất mà còn tạo ra cơ hội để kéo dài tuổi thọ của cây cam, nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Đây cũng là nền tảng để hình thành mối liên kết “4 nhà”, đưa sản phẩm tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.
Khẳng định thương hiệu
Khi tham gia HTX, các thành viên tích cực chăm sóc cam theo quy trình “chuẩn” từ cách làm đất, cắt tỉa, loại bỏ cành, cây sâu bệnh... Đồng thời, ở từng thời điểm phát triển của cây cam, thành viên được hướng dẫn sử dụng các loại phân bón sinh học hợp lý. Vì vậy, năng suất, chất lượng sản phẩm được đảm bảo.
Trọng lượng quả cam trung bình đạt 250-350g. Cam Khe Mây Long Nhâm hấp dẫn người tiêu dùng trong cả nước bởi hương vị thơm từ vỏ cam, cảm giác ngọt thanh chua chứ không phải vị ngọt của đường.
Đến nay, HTX từng bước khẳng định được thương hiệu cam nổi tiếng của địa phương và luôn có đầu ra ổn định khi liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 300-330 tấn cam đạt chuẩn với doanh thu 8 - 8,5 tỷ đồng.
HTX Khe Mây Long Nhâm đang góp phần phát triển giống cam truyền thống của địa phương. |
Với sự hỗ trợ từ đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”, HTX đã tiến hành dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của 30 thành viên. Điều này giúp khách hàng có thể tìm hiểu các thông tin về nơi sản xuất, cách thức liên hệ, quy trình sản xuất…
“Cam Khe Mây vốn nổi tiếng với vị thanh ngọt đặc trưng, nên được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, đây cũng là vùng cam bị "đánh đồng" với các loại cam ở nơi khác nhiều nhất. Việc truy xuất được nguồn gốc giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về sản phẩm, khẳng định tên tuổi của HTX”, chị Nguyễn Thị Lành cho biết.
Theo đánh giá của đại diện UBND xã Hương Đô, HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm đang góp phần duy trì và phát triển cây trồng truyền thống của địa phương nhờ quy trình sản xuất xanh, sạch, bền vững. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX mở rộng đầu ra cũng như xây dựng và giữ vững thương hiệu sản phẩm.
Như Yến