Theo ban giám đốc HTX, người tiêu dùng và doanh nghiệp hiện rất coi trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, để có đầu ra ổn định thì người sản xuất phải tạo được các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường, cũng là cách để HTX tồn tại, phát triển lâu dài. Đây là lý do La’sfarm Ân Phong lựa chọn sản xuất theo mô hình công nghệ cao và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP.
Sản xuất theo quy trình xanh
Hiện nay, HTX lựa chọn dưa lưới là cây trồng chính, bởi phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại địa phương. Trời càng nắng thì dưa càng có chất lượng cao.
Giống dưa được HTX lựa chọn là TL3 và dưa lưới mật E-Garden. Dưa TL3 có vị ngọt thanh, mềm, phù hợp với thị hiếu không thích hoặc ít thích “chất ngọt” của người miền Bắc. Trong khi dưa E-Garden lại được người tiêu dùng miền Nam ưa chuộng.
Theo ban giám đốc HTX, muốn phát triển sản xuất cần đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng. Chính vì vậy, HTX đã nghiên cứu và quyết định trồng cả hai giống dưa này nhằm tạo đầu ra thuận lợi.
Với diện tích 1.000m2, HTX áp dụng kỹ thuật trồng dưa trong túi nylon chuyên dụng có 2 lớp trắng và đen. Lớp màu trắng bên ngoài có tác dụng không hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời giúp rễ cây không bị nóng, héo, mất nước... Lớp màu đen bên trong có tác dụng bảo vệ rễ, chống sâu bệnh.
Việc sử dụng túi nylon chuyên dụng giúp ngăn chặn rêu, tảo và một số loại cỏ dại phát triển, từ đó giúp cây tận dụng tối đa lượng dinh dưỡng có trong túi bầu.
Các thành viên đang thụ phấn cho dưa lưới. |
HTX áp dụng mô hình trồng dưa lưới theo một quy trình chuẩn, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi thu hoạch. Hạt không gieo trực tiếp xuống mặt đất mà trồng trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý, giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại trong đất.
Để đảm bảo cây dưa phát triển đồng đều, nguồn nước và phân bón đều được chuyển sang sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel đến từng gốc dưa. Công nghệ này giúp quản lý được nguồn dinh dưỡng, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Khi dưa bắt đầu cho trái, mỗi gốc chỉ để lại một quả để nuôi và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái tròn đẹp đạt loại 1.
Anh Trần Bảo Diệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết từ giai đoạn trồng đến khi vặt lá, tỉa nhánh là khoảng 14 ngày. Đến khoảng ngày thứ 26 thì tiến hành thụ phấn cho dây dưa lưới bằng phương pháp thủ công. Sau một tuần, dây bắt đầu hình thành quả. Mỗi dây để khoảng 3 - 4 quả, sau đó một tuần lựa một quả tốt nhất để lại đến khi thu hoạch.
Bên cạnh đó, HTX còn trồng các loại hoa để xua đuổi các loại côn trùng gây hại. Trong nhà lưới, thành viên áp dụng các kỹ thuật keo dán thu hút, dẫn dụ các loại côn trùng. Phương pháp này không chỉ bảo tồn được hệ sinh thái mà còn góp phần bảo vệ môi trường nhờ hạn chế được các loại thuốc, phân hóa học độc hại.
Mở rộng liên kết tạo đầu ra
Nhờ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trên thực tế, cách phòng trừ dịch bệnh, kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nên quy trình sản xuất rất thuận lợi. Đến nay, sản phẩm đã có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc với mã QR.
Trung bình một năm, HTX trồng được 4 vụ, mỗi vụ 75 ngày thì có thể thu hoạch được 4 tấn dưa/1.000m2. Giá bán tại vườn là 45.000 - 55.000 đồng/kg, lãi khoảng 40 - 60 triệu đồng/vụ. Đến mùa thu hoạch, thương lái, doanh nghiệp ở khắp nơi đổ vể thu mua, chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Dưa lưới là sản phẩm cao cấp được thị trường ưa chuộng. |
Hiện, không chỉ trồng dưa lưới, HTX La’sfarm Ân Phong còn đang mở rộng sang sản xuất các loại rau quả an toàn như dưa hấu, dưa lê Hàn Quốc, cà chua sô cô la, dưa leo baby… Bên cạnh cung cấp cho một số cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh, giữa tháng 6/2020, cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn La’sfarm ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) đi vào hoạt động. Cửa hàng còn là nơi liên kết tiêu thụ nông sản sạch, an toàn của các đơn vị, HTX trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Theo đánh giá của đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân, mô hình của HTX nông nghiệp công nghệ cao La’sfarm Ân Phong được tỉnh và huyện đánh giá cao không chỉ về giá trị kinh tế, mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với quy hoạch vùng trồng rau màu ở địa phương. Đây là phương pháp sản xuất phù hợp với hướng phát triển nông nghiệp hiện đại của cả nước.
Huyền Trang